Ngoài mã lực và mô-men xoắn thì vòng tua máy RPM cũng luôn được nhắc đến mỗi khi nói về thông số của một động cơ, nhưng không phải anh em nào cũng biết rõ về thông số này.
RPM là từ viết tắt của (Round Per Minute), là đơn vị của vận tốc quay xung quanh một trục cố định. Trên xe nó dùng để chỉ số vòng quay mỗi phút của trục khuỷu động cơ.

Anh em sẽ thấy được số RPM trên bảng điều khiển của ô tô hoặc những mẫu xe máy thể thao và cao cấp, nó được ký hiệu r/min hoặc RPM, tất nhiên thông số này sẽ thay đổi khi tăng-giảm ga.
Theo tiêu chuẩn thì vòng tua máy sẽ bằng số hiển thị trên bản điều khiển nhân với 1000 vòng/phút. Nếu kim đo chỉ ở số 5, tức là động cơ đang quay ở vòng tua 5000 vòng mỗi phút.

Có nhiều anh em nghĩ rằng động cơ quay càng nhanh thì sẽ càng mạnh. Điều này không chính xác bởi mỗi động cơ sẽ sản sinh ra công suất cực đại tại một vòng tua nhất định.
Mình ví dụ, nhà sản xuất công bố động cơ đó cho công suất cực đại 300 mã lực tại 5.500 RPM, vậy có nghĩa động cơ đó chỉ cho ra sức mạnh lớn nhất khi quay ở vòng tua 5.500, nếu quay nhanh hơn hoặc thấp hơn thì sẽ không cho ra công suất mạnh nhất.

Lý do mà đồng hồ đo tua máy lại quan trọng đối với ô tô và nhiều mẫu xe máy là vì nó cho người điều khiển xe biết được khi nào cần chuyển số.
Trên đồng hồ đo tua máy thường sẽ có các vạch đỏ ở trên đỉnh, nó thể hiện cho mức vòng tua máy giới hạn của động cơ mà nếu hoạt động nhiều ở tua máy đó thì động cơ sẽ nhanh gặp hư hỏng.
Thế nên, khi điều khiển xe anh em không được thường xuyên để động cơ hoạt động ở tua máy quá cao, cần chuyển số trước khi tua máy lên đến vạch đỏ để bảo vệ cho động cơ.
Ngược lại, khi động cơ quay ở tua máy quá thấp thì sẽ không đảm bảo lực kéo, thế nên anh em cần về số để xe có thể tăng tốc tốt hơn.
Vậy là anh em đã rõ hết rồi nhé, đồng hồ đo vòng tua RPM không phải để xem cho vui đâu.