Không biết có nhiều mẹ chủ quan giống em không chứ gần 30 chục tuổi đầu rồi em vẫn chưa biết tuyến giáp cụ thể là gì, ở đâu cho tới khi mang bầu đứa thứ 2. Em đi làm xét nghiệm máu thì bác sỹ nói các chỉ số về tuyến giáp của em cao hơn bình thường và yêu cầu đi khám chuyên khoa để biết chính xác còn có hướng điều trị. Em còn ngu ngơ hỏi bệnh này có quan trọng lắm không? Có ảnh hưởng tới con không? Thì bị bác sỹ mắng cho 1 trận không oan.
Em đã đi khám và rất may là các chỉ số đều bình thường sau 4 tháng đầu mang thai. Từ đó em tìm hiểu thêm mới biết tuyến giáp nằm ở vị trí trước cổ, tiếp giáp với khí quản. Các bệnh về tuyến giáp đều nguy hiểm, đặc biệt bệnh ung thư tuyến giáp phát triển cực nhanh. Đặc biệt phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với nam giới. Bệnh này có thể điều trị thành công nếu phát hiện sớm, vì vậy cách đơn giản nhất là mọi người cần thường xuyên kiểm tra cổ tại nhà để phát hiện sớm các bệnh liên quan tới tuyến giáp và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Cụ thể sẽ có những bước kiểm tra như sau, các mẹ cùng đọc tham khảo và áp dụng nhé:
Bước 1: Đứng trước gương, không mặc áo cao cổ, không dùng khăn hoặc đeo dây chuyền che khuất tầm nhìn. Nên mặc áo cổ sâu, rộng để nhịn cho dễ.
Bước 2: Ngẩng cổ, nâng cằm lên phía trần nhà để mở rộng tầm nhìn hơn.
Bước 3: Uống 1 ngụm nước và bắt đầu quan sát. Nếu uống nước ở tư thế này thanh quản sẽ được di chuyển về phía trước, giúp tuyến giáp được hình dung rõ hơn, dễ dàng phát hiện bất thường.
Bước 4: Dùng mắt quan sát sự bất thường ở phần dưới cổ. Khi nuốt xuống hãy nhìn thật kỹ xem có khối u hay vật lồi lên ở cổ hay không. Để đảm bảo hiệu quả tốt nhất hãy lặp lại hành động uống nước và quan sát nhiều lần cho thật chính xác.
Bước 5: Dùng tay cảm nhận vết sưng và sự tăng trưởng đồng thời chạm, xoa nắn nhẹ nhàng xung quanh tuyến giáp để cảm nhận được các dấu hiệu tăng trưởng bất thường.
Bước 6: Nếu phát hiện khối u hoặc sự tăng trưởng bất thường nào đó của tuyến giáp thì các mẹ cần trao đổi ngay với bác sỹ để được tư vấn và điều trị. Cùng bác sỹ theo dõi quá trình phát triển của khối u và thực hiện các phương pháp phát hiện bệnh khác như siêu âm, xét nghiệm hoóc môn, chụp CT…theo chỉ định.

Hiện nay ung thư tuyến giáp thường được điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật, I-ốt phóng xạ, xạ trị chum tia ngoài, hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu hay hoóc môn…
Dù hầu hết các bệnh ung thư tuyến giáp đều có thể chữa trị thành công nếu được phát hiện sớm. Nhưng theo Hiệp hội những người sống sót sau ung thư tuyến giáp thì có tới 30% số ca tái phát sau điều trị cần phải theo dõi suốt đời.
Sau đây là 10 dấu hiệu của bệnh tuyến giáp thường gặp, em gửi các mẹ tham khảo:
1. Cổ sưng, xuất hiện bướu cổ
2. Viêm cánh tay, đau cơ khớp
3. Rụng tóc, da trở nên đặc biệt mẫn cảm
4. Kinh nguyệt không đều, có nguy cơ vô sinh
5. Giảm nhu cầu vợ chồng
6. Lượng cholesterol thay đổi
7. Đường ruột gặp vấn đề như táo bón, tiêu chảy, đau bụng
8. Huyết áp tăng, thay đổi nhịp tim
9. Mệt mỏi, mất sức, trầm cảm, lo âu
10. Cân nặng thay đổi
Bất cứ khi nào thấy xuất hiện các dấu hiệu trên em khuyên các mẹ lập tức nên đi khám bác sỹ để được tư vấn cụ thể.
Nguồn tổng hợp