Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, nhiều người chỉ mong được quây quần bên con cháu, an hưởng tuổi già. Vậy mà ở Sài Gòn, lại có cụ bà 20 năm vá ổ gà lại mặc kệ nắng mưa, khiến bà con trong xóm vô cùng cảm phục.
Bà là Trần Thị Xin (80 tuổi, người gốc Hà Nội) cùng gia đình chuyển vào miền Nam từ những năm 1954 – 1955. Hàng xóm xung quanh cho biết: “Bà Xin không có chồng con gì hết. Sau khi cha mẹ qua đời với hai anh trai mất đi thì bà sống trong nhà đó một mình luôn”.

Chân tay run rẩy, bà Xin vẫn quyết tâm đi vá đường (Ảnh: Thanh Niên)
“Bà Xin già lắm rồi, mắt kém, đi còn phải chống gậy nữa mà cứ thấy trong hẻm chỗ nào có ổ gà là bà mua xi măng về trám liền. Tui ở đây hơn chục năm, rất nhiều lần thấy bà đi làm đường kiểu vậy”, chị Mì (49 tuổi), một người dân sống gần bà kể lại.
Tuổi cao, sức yếu lại thêm căn bệnh viêm khớp hoành hành, bà Xin đi đứng chậm chạp hơn người bình thương nhưng lại có hành động quá đỗi phi thường. Nói về công việc “vá đường” của mình, bà Xin tâm sự:
“Hồi trước, trong hẻm có nhiều ổ gà, mấy đứa nhỏ chạy đi chơi vấp phải là té chảy máu chân, tôi thấy xót lắm. Còn chưa nói tới mấy ngày trời mưa, mưa to mưa nhỏ gì cũng đọng nước khắp nơi. Xe máy chạy ngang qua thì nước văng tung tóe, có người không để ý còn ngã xe rất nguy hiểm”.
Rất nhiều lần, chính quyền địa phương cũng nhiều lần cho người đến sửa chữa, “nhưng mà cái gì mình dùng nhiều thì nó nhanh hư, như đường đi nhiều thì cũng phải có ổ gà ổ vịt thôi”, cụ bà 20 năm vá ổ gà ngậm ngùi nói.

(Ảnh: Thanh Niên)
Những lúc như thế, bà nhanh tay ra ‘dọn’ đầu tiên, bà tự mua xi măng về trộn, rồi tự mình đi trám tất cả những ổ gà trong hẻm. Để xi măng nhanh khô và mọi người biết đường mà tránh bà Xin còn cẩn thận lấy nhiều tấm ván đặt làm dấu ngay những chỗ vừa được lấp trên đường.
Khi hỏi bà lấy tiền đâu để mua xi măng, có tốn kém lắm không, bà phẩy tay: “Ôi giời, chả mất bao nhiêu tiền. Xưa tôi lấy tiền bán tạp hóa, giờ thì có tiền bán than đây. Mà cũng nhiều cô cậu thanh niên thấy tôi làm vậy thì đóng góp thêm vài chục, một trăm nghìn để mua xi măng. Có hôm còn ra phụ tôi trám ổ gà nữa”.
Giúp đời nhiều là thế nhưng cụ bà tìm ổ gà để vá đường lại có một cuộc sống khá lẻ loi. Chỉ tay về phía tấm ảnh người đàn ông trên bàn thờ, bà Xin xúc động: “Anh trai tôi, hồi xưa lúc tôi phải phẫu thuật khớp, ông là người chạy khắp nơi kiếm tiền lo thuốc thang, viện phí. Từ hồi ông ấy mất thì tôi ở một mình, mấy đứa cháu sợ buồn nên đòi đưa tôi sang Mỹ ở chung, mà thôi, ở đây còn lo hương khói chứ đi rồi ai mà lo”.

(Ảnh: Thanh Niên)
Từ dạo ấy đến nay, đã gần 20 năm trôi qua, bà Xin vẫn miệt mài “vá đường” nhưng không muốn mọi người dành cho mình quá nhiều lời ngợi ca. Bà tâm sự: “Trên phường người ta cũng xuống thăm hỏi, khen thưởng. Riêng tôi thấy đó không phải việc gì to lớn, tôi rất ngại nói tốt về mình. Người ta xây đường thì mình phải gìn giữ. Tôi còn sức thì còn làm, chỉ mong bà con đi lại được an toàn thôi”.
Thật sự thương và nể cụ bà lắm lắm, một người phụ nữ ở tuổi 80 tự dựa vào sức mình, không người thân cạnh bên, dù được gợi ý ra nước ngoài để sống sung sướng hơn nhưng bà vẫn muốn gắn bó với mảnh đất giàu nghĩa tình này.
Cảm phục nhất là hành động vá đường của cụ, sức thanh niên đàn ông còn không kham không nổi, vậy mà một cụ già chân yếu tay mềm đã kiên trì suốt 20 năm chỉ với mục đích duy nhất, là cho bà con nơi đây được an toàn.
Bà không cần tuyên dương và ca ngợi, bà không cần lên báo chí hay tivi, bà làm vì cái tâm thiện nguyện, vì tấm lòng trong sáng. Người như bà mới thực sự gọi là tốt, bởi làm chuyện có ích cho đời vốn không dễ, và làm trong âm thầm, kiên trì, bền bỉ lại càng khó khăn hơn.

(Ảnh: Thanh Niên)
Đã thế, bà còn tự bỏ tiền túi ra mua xi măng, dụng cụ chứ chẳng cần nhờ vả ai. Để rồi hành động tốt đẹp ấy đã lan tỏa cho thế hệ trẻ, để nhiều người cũng tự cảm thấy ‘xấu hổ’ mà lao vào noi theo.
Cảm ơn cuộc đời, vì vẫn còn những người tốt nhự bà Xin, hành động tưởng nhỏ nhưng lại mang một lợi ích to lớn. Ta cứ thử nghĩ, nếu có nạn nhân nào đó trượt ổ gà và thiệt mạng ? Một em nhỏ nào đó đi học về rồi qua đời thương tâm? Nhất là vào mùa mưa bão, chẳng ai nói trước được gì.
Thế nên, hãy tỏ lòng biết ơn, cảm kích đối với cụ bà ở Sài Gòn 20 năm vá ổ gà và quan trọng nhất là hãy noi gương cụ, để xã hội ngày một văn minh.
Nguồn tham khảo: Thanh Niên