Nhắc đến chức vụ ‘Bộ Trưởng’, chúng ta dễ hình dung ngay trong đầu hình ảnh một người đàn ông lịch lãm, cao quý, học thức uyên thâm cùng tài ăn nói sắc bén.
Vậy mà kỳ lạ thay, ở quần đảo Cook (quốc gia với 15 đảo nhỏ vùng nam Thái Bình Dương) lại có vị Bộ Trưởng chưa học hết cấp 1, từng ra tù vào tội, từng ở trại giam gần 13 năm, từng phóng hỏa đốt nhà và làm vô số chuyện xấu.

(Ảnh: Cook Islands News)
Vậy tại sao, người đàn ông này lại sở hữu vị trí ‘đáng nể’ đến thế? Liệu có thế lực nào đó đang hỗ trợ ở phía sau? Không, chẳng một quyền lực nào có thể thần thánh như vậy! Ông được lên chức vì sự tín nhiệm gần như tuyệt đối của nhân dân… và nhờ vào sự hoàn lương sau những năm tháng điên cuồng, ngông dại.
Ông là George Angene sinh năm 1960 trong một gia đình bình dân. Sáu tuổi, George đến trường nhưng chẳng học được thứ gì. Thay vào đó, cậu giúp mẹ ủ rượu bia và cũng nếm thử. Ở trường cậu tham gia nhiều môn thể thao từ karate, taekwondo, đấm bốc, cử tạ và thậm chí thể hình.
“Từ 14-15 tuổi, tôi bắt đầu uống rượu và thể hiện bản thân. Tôi đã xấc láo và nghĩ ‘Mình mạnh mẽ, hãy bắt đầu xem liệu đều này có hiệu quả không”, ông chia sẻ. Cuối những năm 1970, cảnh sát Quần đảo Cook thực hiện chính sách nghiêm ngặt, trẻ em bị cấm ra đường sau 8 giờ tối.

(Ảnh: Minister George Maggie Support Office)
George bỏ ngoài tai quy định. Trong khi những đứa trẻ khác ở bên bố mẹ thì George lang thang đường phố. Sự ngông cuồng đưa George vào tù năm 15 tuổi. Hệ thống luật pháp thời đó không cho phép trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi vào tù, nhưng họ đã tống giam người thiếu niên ngỗ ngược này.
Sau khi ra tù, George lấy vợ và có được hai con trai sinh đôi. “Khi sinh con đầu lòng, tôi là một người nghiện rượu nặng. Tôi không có hy vọng, không có công việc ổn định, không có thu nhập để nuôi những đứa trẻ. Tôi thường trộm thức ăn cho những đứa con”, George nói.
Vào năm 1992, suy nghĩ của George dần thay đổi, nhưng theo hướng tệ hơn. Ông đổ lỗi cho chính quyền về sự nghèo khó và bất hạnh của mình. Trong một lần say thiếu kiểm soát, ông rủ bạn đi đốt Sở Tư Pháp. George bị bắt và bị kết án 13 năm tù.

(Ảnh: Minister George Maggie Support Office)
Những ngày dài trong song sắt trại giam ông mới nhận ra hành động nông nổi của mình. Một sáng tháng 6 ông thức dậy, tự cầu nguyện: “Con sợ chết trong tù. Con cảm thấy tiếc cho vợ con, những đứa con của con. Con muốn được cho thêm một cơ hội để làm lại cuộc đời được không?”
Vậy là ở tuổi 32, ông muốn thay đổi chính mình. Ông đi học, tập đọc qua những tù nhân khác, tập viết. Ông tập viết bằng cách chép mọi thứ mình chiêm nghiệm được. Năm 1999, George ra tù trước thời hạn. Ông bắt đầu làm việc và giúp đỡ mọi người.
Ông dậy sớm quét đường, vá đường. Nhờ học được nghề mộc trong tù, ông đã sửa hàng chục ngôi nhà cho những người nghèo trong làng. Quần đảo Cook bị thiếu nước, George đã xây dựng hệ thống nước cho người dân. Trước đây ông sống với tâm thế “bố thiên hạ”, giờ ông hạ mình, muốn làm đầy tớ của nhân dân. Ông cũng giúp đỡ các nhóm cộng đồng.

(Ảnh: Minister George Maggie Support Office)
Trong cuộc bầu cử năm 2018, ông được bổ nhiệm vào nội các với tư cách là Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Khắc phục, Văn hóa, Thương mại Kinh doanh và Đầu tư. Kết quả bầu cử của ông áp đảo tuyệt đối các ứng viên sừng sỏ, có tiền, có học vấn khác, dù chỉ là một người tù chưa học hết cấp 1.
Bí quyết để George tạo ra kỳ tích như vậy là do ông đã thu phục được lòng người thông qua những công việc thiết thực mình làm. Giờ là bộ trưởng, hàng ngày ông vẫn dùng cuốc xẻng sửa đường, xén cỏ, cưa cây. Vào những ngày đầu năm mới 2020, trong khi mọi người còn đang tận hưởng kỳ nghỉ thì ông George đã cầm cuốc xẻng đi sửa đường và dọn rác sau cơn bão Sarai.

(Ảnh: Minister George Maggie Support Office)
Ai cũng có lỗi lầm, ai cũng có quá khứ nhưng người với người hơn nhau ở cách nhìn nhận, sửa sai và làm lại từ đầu. Nói dễ nhưng thực hiện khó lắm, bởi đó là một cuộc hành trình vượt lên chính mình, vượt lên miệng đời đầy khắc nghiệt.
Hãy tưởng tưởng mà xem, bạn ra tù sau 13 năm dài đằng đẵng với nỗi ám ảnh mình là kẻ có tội, không biết làm gì để hoàn lương. Nhất là với một nước nhỏ như quần đảo Cook, ‘tiếng tăm’ của George có lẽ đã được phủ sóng.
Nhưng đáng ngưỡng mộ làm sao, thay vì tỏ ra ghét bỏ hoặc sợ hãi, người dân nơi đây vẫn cho George có cơ hội để làm lại từ đầu. Thậm chí sau này họ còn bầu ông lên với chức vụ cao hơn. Thành quả ấy hoàn toàn xứng đáng cho những nỗ lực hết mình cùng tình yêu thương đồng loại.

(Ảnh: Minister George Maggie Support Office)
Tất nhiên, sẽ có những sai lầm không thể cứu vãn được, ví dụ như giết người (mà cũng may là George không làm ra chuyện kinh hoàng như thế, chỉ có một lần phóng hóa bất thành là nặng nhất). Vậy nên, bài học của vị bộ trưởng không chỉ được ‘rút ra’ sau giai đoạn hoàn lương mà còn ở quãng đời trước đó.
Nên nhớ, những đứa trẻ vị thành niên luôn có một sự bất cần và nông nổi, nếu không có sự kiểm soát và giáo dục đúng đắn từ gia đình thì hậu quả có thể rất kinh hoàng. Vậy nên người lớn, trước hết phải tự làm gương, hãy nghĩ đến những đứa con và tương lai của chúng.
Như ông bố George, quyết định làm lại từ đầu, phấn đấu hết mình sau khi nhận ra giá trị quan trọng của tình thân và vai trò của bậc làm cha. Chúng ta xấu, sẽ có một thế hệ tiếp theo xấu. Còn nếu chúng ta tốt, tất nhiên tương lai của xã hội sẽ được cứu vớt rất nhiều.

(Ảnh: Minister George Maggie Support Office)
Có lẽ trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng ít nhất 1 lần vấp ngã theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Sau mỗi lần vấp ngã ấy, người ta sẽ rút ra được một bài học cho chính mình, biết tránh những cám dỗ, biết vươn lên từ khó khăn. Tất cả đều có thể, không gì là quá muộn, miễn là chúng ta có đủ quyết tâm!
Nguồn tham khảo: Vnexpress