Thời đại văn minh, không ai thích tiếp xúc với những người ở dơ, ở bẩn. Nhưng riêng câu chuyện về cụ ông sống cùng rác dưới đây, lại khiến chúng ta phải xót xa nhiều hơn là trách cứ.
Ông Trịnh, năm nay 62 tuổi, một cựu công nhân vệ sinh Trung Quốc kiếm sống bằng cách thu nhặt đồ bỏ đi đã khiến hàng xóm phật lòng khi tích tụ hơn 4 tấn rác tại nhà mình ở thành phố Nghi Tân, thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

“Ông ta đi lang thang khắp nơi trong khu vực và nhặt rác bất kỳ lúc nào ông ta có cơ hội”, một người phụ nữ nhận xét và gọi cụ ông là kẻ “không biết gớm ghiếc là gì” khi thu thập cả những túi nhựa có phân động vật bên trong.
Sau cùng, vì chịu không nổi mùi xú uế tỏa ra từ nhà của cụ ông sống cùng rác nên những gia đình sống xung quanh đã gọi nhân viên cộng đồng đến xử lý “đống rác” nói trên. Khoảng 20 nhân viên của một tổ chức cộng đồng địa phương đã được điều đến dọn dẹp nhà cụ ông.
Một số người cũng tình nguyện giúp, nhưng phải thay ca từng 30 phút một để nghỉ xả hơi. Ba người đã lả đi vì mùi hôi thối, trong khi 1 người khác phải bỏ cuộc ngay khi bước vào nhà. Đội ngũ nhân viên bắt đầu làm việc lúc 7 giờ 30 sáng nhưng phải mất 12 giờ sau họ mới hoàn thành công việc dọn dẹp.

Căn nhà của cụ ông phải mất gần 1 ngày mới dọn sạch (Ảnh: Thanh Niên)
Đau đớn vì bị chê cười, cụ ông sống cùng 4 tấn rác ngậm ngùi cho biết, việc thu nhặt ve chai là cách duy nhất ông có thể làm để nuôi gia đình. Vợ ông bị chứng động kinh và đứa con gái nuôi của họ bị mù bẩm sinh và không thể kiếm được việc làm.
“Tôi cần phải nuôi gia đình. Kể từ khi tôi về hưu, chúng tôi không có thu nhập, chúng tôi phải tìm cách xoay sở”, ông Trịnh nói. Có vẻ cộng đồng nơi gia đình ông Trịnh sinh sống không thuyết phục ông này bỏ “nghề”, nhưng họ chẳng biết làm gì hơn để giúp ông này ngoài việc “sống chung” với mùi xú uế.
Ngẫm mà chua chát và xót xa quá, nếu phân định cho đúng sai thì cụ ông chứa 4 tấn rác trong nhà có cả hai. Thương ông vì nghèo và khổ, một mình gồng gánh vợ con. Ở tuổi 62 chẳng biết làm gì ngoài việc nhặt ve chai, dự trữ đồ đạc đem đi bán dần.
Dù sao, ông cũng là một người chồng, người cha, người đàn ông có trách nhiệm với gia đình cho tới hơi thở cuối cùng. Hình ảnh và tấm gương ấy, đâu phải ai cũng làm được.

Hình minh họa (Ảnh: kknews.cc)
Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, đã sống cùng cộng đồng thì phải biết tôn trọng tập thể, dù bản thân có vất vả và bi đát cỡ nào, cũng không thể lấy đó làm lý do để bao che, viện cớ. Như cụ ông nói trên, dù được hàng xóm nhắc nhở nhiều lần, vẫn không thay đổi.
Và rồi, hậu quả là ông bị mọi người xa lánh, tẩy chay. Dẫu hoàn cảnh của ông rất đáng thương, nhưng chẳng ai còn bụng dạ nào để giúp. Đỉnh điểm là có người phải dọn nhà đi, có người phải mời nhân viên dọn dẹp tới hỗ trợ.
Có lẽ, câu tục ngữ ‘Đói cho sạch, rách cho thơm’ thuộc lòng thì dễ lắm nhưng thực hiện cho được, cũng khó khăn vất vả chứ chẳng chơi.
Chợt nhớ cách đây không lâu, cũng có câu chuyện về cụ bà 30 năm sống cùng 12 tấn rác. Theo tìm hiểu, khoảng đầu thập niên 90, vì nghèo khó nên bà đã chuyển đến sống cùng một người họ hàng ở căn nhà này.
Từ đó, chứng nghiện tích trữ đồ đạc của cụ bà càng lúc càng nghiêm trọng. Trong nhà, một đống quần áo, giày dép, sách vở, ô dù và đủ loại hộp đựng thức ăn đã hỏng từ lâu. Chúng gần vỡ vụn thành từng mảnh khi có người chạm vào”.

Căn nhà ngập 12 tấn rác của cụ bà (Ảnh: Saostar)
Nói đến đây, hẳn ai cũng nghĩ cụ bà ở dơ có tiếng, nhưng nếu biết cụ mắc bệnh tâm lý, vì quá sốc và cô đơn kể từ khi chồng qua đời, lại thấy thương cảm nhiều hơn. Trong khi họ hàng của cụ, chẳng một ai quan tâm, hỏi han.
Cứ thế, họ để bà sống chết một mình, thậm chí sẵn sàng ‘biếu không’ tặng người lạ chứ chẳng muốn để lại cho người thân. Họ – kỳ thị một cụ già ở bẩn chứ không muốn tìm hiểu nguyên nhân sâu xa.
Đúng là cuộc đời, luôn có những hoàn cảnh chua chát. Đúng hay sai tùy quan điểm cá nhân, chỉ mong chúng ta cố gắng sống vui vẻ, sống tự chủ về tài chính, để khi già đi, không phải tích trữ rác để mưu sinh.
Nguồn tham khảo: Thanh Niên