Các nhà sản xuất sẽ làm hoa mắt người dùng với rất nhiều lời hoa mỹ và mánh khóe về khả năng thực sự của camera trên sản phẩm của họ.
Có một sự thật trong thế giới điện thoại thông minh đó là, các nhà sản xuất thường sẽ “làm lố” lên các tính năng có trong sản phẩm của họ để làm hoa mắt người dùng. Bên cạnh những yếu tố liên quan đến cấu hình, camera là một phần rất quan trọng trong các chiến dịch quảng cáo của các hãng, bởi đây là yếu tố mà nhiều người quan tâm khi lựa chọn một chiếc smartphone.
Tuy nhiên, không phải cái gì mà hãng nói cũng đều là sự thật. Do đó, bạn nên biết để tránh thất vọng khi chọn mua một sản phẩm chỉ vì những lời quảng cáo.
Với camera trên smartphone bạn cũng có thể chụp ảnh hoặc quay video như máy ảnh chuyên nghiệp

Đó là lời mà một số nhà sản xuất thường nói khi giới thiệu về camera trên mẫu điện thoại mới của họ. Khi truy cập vào website hay đọc những bài viết đánh giá sản phẩm “có nhận booking”, bạn quả thực sẽ thấy những bức ảnh chất lượng rất cao. Nó khiến cho nhiều người hiểu lầm rằng, họ cũng có thể chụp được một bức ảnh như vậy chỉ với chiếc điện thoại đó trong tay.
Tuy nhiên, sự thật đằng sau đó là cả một ekip hùng hậu với sự hỗ trợ của nhiều thiết bị bổ sung như, đèn studio, tripod, gimbal,… Chưa kể là sau đó sẽ là những bước hậu kỳ chuyên nghiệp mà nếu không phải chuyên gia thì bạn sẽ không làm được.
Hoặc sử dụng các “tác phẩm giả”

Một số nhà sản xuất còn tìm cách lấp liếm điểm yếu của camera trên sản phẩm của mình bằng cách, sử dụng các hình ảnh hay video được chụp bằng những chiếc máy chuyên nghiệp sau đó chỉnh sửa và tuyên bố rằng nó được thực hiện bằng camera trên điện thoại của họ.
Một trong những ví dụ sớm nhất về điều này là Nokia với Lumia 920 vào năm 2012. Công ty đã sử dụng máy ảnh DSLR được lắp trong xe tải thay vì điện thoại để chứng minh khả năng ổn định hình ảnh quang học (OIS). Nova 3i của Huawei cũng bị bắt gặp làm điều tương tự vào năm 2018. Một bức ảnh trên Instagram của một người mẫu tiết lộ rằng họ không thực sự chụp ảnh selfie bằng điện thoại mà thay vào đó là chụp ảnh bằng máy ảnh DSLR.
Tung hô nhiều về tính năng để cố bỏ qua các thông số kém ấn tượng

Các nhà sản xuất cũng thường che giấy đi các thông số kỹ thuật không mấy ấn tượng trên camera của những mẫu điện thoại tầm trung bằng cách nói rất nhiều về các tính năng. Họ đã vẽ ra thật nhiều tính năng nhiếp ảnh “thời thượng” để làm lu mờ đi thông số camera.
Các nhà sản xuất này cũng ngại công bố kích thước cảm biến vì ho biết rằng khi nói thì nó có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của người dùng về khả năng chụp ảnh của một sản phẩm đó.
Các thuật ngữ kỹ thuật gây hiểu lầm

Các nhà sản xuất cũng rất thích sử dụng các thuật ngữ kỹ thuật cao siêu đề nâng cao cái nhìn của người dùng về khả năng chụp ảnh của điện thoại. Nó đôi khi lại gây ra hiểu lầm rất lớn cho người dùng.
Ví dụ, Samsung đã phát minh ra thuật ngữ “Zoom lai (hybrid-optic zoom)” thay vì nói rằng Galaxy S20 và S21 chỉ đơn giản là sử dụng công nghệ zoom kỹ thuật số. Họ đã thêm thuật ngữ “quang học”, khiến một số người nghĩ rằng điện thoại có zoom quang học trong khi thiếu đi ống kính tele. Với sự xuất hiện của Galaxy S22 và S22 Plus, các mẫu cơ bản và Plus cuối cùng cũng có camera tele quang học thực sự. Vì vậy, hãy để ý đến điện thoại có tele, kính tiềm vọng hoặc zoom quang.
Huawei và Realme là hai công ty khác sử dụng các thuật ngữ kỹ thuật khó hiểu, tiếp thị rằng điện thoại của họ cung cấp công nghệ AIS và UIS để ổn định hình ảnh tương ứng. Đúng là, AIS của Huawei sử dụng công nghệ AI để chống rung, vì vậy nó hơi khác so với EIS dựa trên phần mềm truyền thống. Tuy nhiên, đây vẫn là các giải pháp dựa trên phần mềm và sẽ không tốt bằng các giải pháp phần cứng OIS. Do đó, nếu bạn muốn hình ảnh sắc nét hơn khi di chuyển camera hoặc video ít rung hơn thì cứ chọn dòng máy có OIS là tốt nhất.
Làm nổi bật số lượng megapixel

Đếm số megapixel là một trong những mánh khóe tiếp thị của các hãng đối với camera trên điện thoại thông minh. Trên thực tế, số megapixel nhiều nhưng chưa chắc rằng nó cung cấp chất lượng hình ảnh tốt. Để một bức ảnh được chụp có chất lượng cao, nó phụ thuộc vào kích thước cảm biến và ống kính, đó là lý do vì sao iPhone chỉ sở hữu camera 12MP nhưng lại chụp ảnh chất lượng hơn rất nhiều những mẫu Xiaomi có camera 108MP.
Nói chung, megapixel nhiều cũng tốt, nhưng nó không phản ánh đúng thực tế với chất lượng ảnh chụp nên bạn đừng chú trọng quá vào con số này.
Dùng phần mềm để làm điều mà phần cứng không hỗ trợ

Một thủ thuật sử dụng phần mềm khác phổ biến mà các hãng thường mang ra để quảng cáo đó là, “hỗ trợ video chuyển động siêu chậm 960fps”, trong khi kết quả thực sự được nội suy từ tốc độ khung hình thấp hơn, chẳng hạn như 240fps hoặc 480fps. Samsung Galaxy S22 Ultra chỉ có thể quay ở tốc độ 480 khung hình / giây trước khi sử dụng phần mềm để quay video với tốc độ 960 khung hình / giây. Huawei cũng dùng kỹ thuật tương tự.
Điều này gây hiểu lầm cho người dùng rằng phần cứng có hỗ trợ khả năng quay video như vậy thực sự.
Tham khảo: Android Authority