Camera pop-up tuy có sáng tạo nhưng nó thực sự không tối ưu được cho độ bền và việc sử dụng của người dùng.
Camera pop-up hay dân giang gọi là camera thò thụt đã từng là một trong những công nghệ đột phá trên smartphone được ra mắt đầu tiên ở mẫu Vivo NEX ra mắt vào tháng 6 năm 2018. Nhưng mãi đến năm 2019 thì công nghệ này mới được phổ biến rộng rãi trên nhiều smartphone mà đa phần là ở các smartphone đến từ nhà sản xuất Trung Quốc.

Camera pop-up ra đời với sứ mệnh giải quyết cho thiết kế màn hình không điểm khuyết hoàn toàn. Theo đó, cụm camera selfie được ẩn bên trong thân máy và khi cần sử dụng thì nó sẽ xuất hiện lên. Bên cạnh những loại camera pop-up truyền thống thì còn có rất nhiều loại camera pop-up khác nhau như trên mẫu Reno camera dạng vây cá mập, mẫu Galaxy A80 có camera pop-up dạng xoay, sử dụng camera sau làm camera trước.
Tưởng chừng như đây là một trong những công nghệ đột phá của tương lai smartphone, cải thiện thiết kế hiệu quả nhưng đâu ai ngờ, tuổi đời của công nghệ này chỉ vọn vẹn đúng 1 năm trời. Sau năm 2019 thì người ta chẳng còn nhìn thấy smartphone có camera pop-up mới nào ra đời.
Tính linh hoạt và độ bền không cao

Nguyên nhân của việc camera pop-up không được phát triển nữa đó là tính linh hoạt và độ bền của nó không cao. Camera pop-up sử dụng một mô-tơ để hoạt động, chính vì thế nó lại phải thêm một thành phần mới, chiếm diện tích bên trong smartphone.

Ngoài ra, những chiếc smartphone có camera pop-up này đa số đều không có khả năng kháng nước, những phần pop-up lên rất dễ bị bụi bẩn bám vào trong sau một thời gian sử dụng. Nhiều lỗi phát sinh sau một thời gian sử dụng đã được phản ánh rất nhiều như, camera không hoạt động, hệ thống pop-up bị kẹt,…
Thiết kế camera dạng đục lỗ linh hoạt hơn
Sự phát triển của thiết kế camera đục lỗ cũng là một phần khiến cho camera pop-up thất sủng. Camera dạng đục lỗ ngày càng tối ưu được diện tích, nó dần nhỏ hơn, ít chiếm diện tích trên màn hình hơn và linh hoạt hơn rất nhiều so với camera pop-up.
Ngoài ra, việc smartphone sử dụng camera dạng đục lỗ sẽ giúp cho độ bền của smartphone được tốt hơn, không bị bụi bẩn hay dễ vào nước như những camea pop-up.
Công nghệ ẩn camera bên dưới màn hình được ưu tiên
Để tối ưu hoá cho thiết kế màn hình toàn diện, các nhà phát triển đã nghiên cứu ra công nghệ ẩn camera bên dưới màn hình hiển thị. Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, công nghệ này vẫn chưa hoàn thiện 100% nhưng các nhà phát triển vẫn ưu tiên để tập trung tối ưu hoá cho công nghệ này hơn.
Tương lai, các nhà phát triển sẽ tối ưu hoàn toàn công nghệ ẩn camera selfie bên dưới màn hình hiển thị, nâng cáo số lượng pixel hơn ở vị trí có camera để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Hiện tại, đã có một số smartphone sử dụng công nghệ này, nhưng các điểm pixel ngay vị trí chứa camera chưa cao nên vẫn có thể nhận thấy sự khác biệt bằng mắt thường.
Samsung, OPPO, Xiaomi hay ngay cả Apple cũng đang trong quá trình hoàn thiện những công nghệ này để tạo ra một chiếc smartphone có màn hình không điểm khuyết.
Có thể thấy, camera pop-up là một sự sáng tạo, nhưng đó chỉ là thay thế tạm thời cho thiết kế một màn hình toàn diện không diểm khuyết mà thôi.