Cơn địa chấn Bphone 3 tạm lắng xuống, thương hiệu điện thoại Việt hồn châu Âu Vsmart tiếp tục dậy sóng khi tung nhiều chiêu bài khuấy động thị trường.
Phân khúc tầm trung, mảnh đất vàng để bắt đầu
Năm 2018 tiếp tục cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ nhu cầu điện thoại phân khúc tầm trung khi trước đó những con số đã cho thấy trước điều này.
Theo thống kê của GfK tại Việt Nam, tính đến cuối 2017, smartphone tầm trung với mức giá dao động khoảng 5-7 triệu đồng có sự tăng trưởng rất ấn tượng, tăng trưởng doanh số lên đến 27,4% so với cùng kỳ năm trước đó, chiếm thị phần 27,3% trong thị trường smartphone.

Trong gần một năm qua, sức mua hàng cao cấp sụt giảm mạnh, nhiều người dùng lựa chọn hàng trung cấp với nhiều tính năng thú vị hơn và giá cả phải chăng hơn. Những thiết bị này cũng có lợi thế hàng mới, được bảo hành thời gian dài so với hàng xách hay hay cao cấp bỏ mẫu rớt giá.
Dự báo vào năm sau, xu thế chuộng hàng tầm trung giá tốt cấu hình ổn vẫn sẽ tiếp tục được duy trì.
Không khua chiêng gõ trống mà chậm rãi, chắc chắn là Vsmart đã biết rõ đây chính là mảnh đất vàng nên không ngần ngại đánh thẳng vào phân khúc, đỡ tốn đến 3 năm lặn hụp vất vả như Bphone. Cách tiếp cận khá giống với những gì Mobiistar hay Xiaomi đang làm trong thị trường vốn đã rất nghẹt thở này.
Khuấy động thị trường
Về chính sách bảo hành, bước chân vào thị trường Việt Nam cách đây hơn 1 năm về trước, Xiaomi mở màn cho thời gian bảo hành sản phẩm lâu hơn bình thường với 15 tháng trên chiếc Redmi 5A. Đây cũng là chiếc điện thoại được hãng ưu ái và đạt được thành công lớn ở nhiều thị trường khác nhau.
Nên xem

Tiếp theo, khi FPT trở thành nhà phân phối chính thức, Xiaomi cùng hãng cũng đã tăng thời gian bảo hành cho sản phẩm lên 15 tháng, chính thức khẳng định chất lượng với thời gian bảo hành cam kết lâu dài chưa hãng nào dám làm.
Nhưng đó không phải là đỉnh cao nhất của thời gian bảo hành, bởi Vsmart, một thương hiệu điện thoại “chân ướt chân ráo” nhưng chơi trội, dù sản phẩm chưa ra mắt, nhưng thời gian bảo hành lại được đưa ra kéo dài đến 18 tháng.
Động thái này cho thấy Vsmart đang rất tự tin với sản phẩm của mình ngay từ lúc ban đầu. Ai ai cũng hiểu, những gì định ra lúc ban đầu sẽ định hình suy nghĩ của người dùng về thương hiệu.

Bởi một khi người dùng đã quen với hình ảnh một thương hiệu có thời gian bảo hành lâu, nếu sau đó quay lại bảo hành chỉ 12 tháng sẽ tạo tâm lý nghi ngờ cho người dùng. Vsmart có cần phải vậy không khi những sản phẩm của hãng đang gắn với tiêu chuẩn “châu Âu” ngay từ đầu hãng hướng đến?
Ở phía bên kia chiến tuyến, Xiaomi cũng không ngần ngại gia tăng thời gian bảo hành sản phẩm lên 18 tháng nối gót Vsmart. Nokia cũng vừa tuyên bố sẽ tăng thời gian bảo hành cũng lên 18 tháng đối với dòng điện thoại Android One.
Nên xem
Về cách tiếp cận thị trường, Xiaomi luôn tạo được dấu ấn trong lòng cộng đồng bởi những gì hãng có được xuất phát điểm từ đây. Hãng đã tạo được một cộng đồng người dùng lớn mạnh ở khắp nơi trên thế giới, tại mỗi quốc gia, hãng lại tạo ra các nhóm cộng đồng hỗ trợ, chia sẻ cùng với các buổi offline chính là kênh phát hành thông tin sản phẩm mới tốt nhất cho mình.

Những chương trình góp mặt cùng người nổi tiếng, những chương trình tổ chức trải nghiệm sản phẩm mới như Mi Explorer hay các cuộc thi ảnh chính là cách Xiaomi nối kết cộng đồng và từ đó lan tỏa, hầu như chúng ta không thấy hãng có một quảng cáo sản phẩm nào trên các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, tivi…
Vsmart thì theo hướng truyền thống hơn một chút, hãng bắt đầu cho quảng cáo trên Tivi, như cái cách mà Bphone đã làm, nhưng thông điệp rõ ràng hơn, khiến người ta thấy vừa quen vừa lạ về một thương hiệu điện thoại trong nước.
Có lẽ phát triển cộng đồng là bước tiếp theo mà hãng này sẽ làm, như cái cách mà Xiaomi đang triển khai, bởi một khi sản phẩm đi vào sâu rộng, cộng đồng sẽ là nơi người dùng hỗ trợ nhau, nhà sản xuất sẽ đỡ được khâu chăm sóc khách hàng, vừa là nơi để triển khai các hoạt động giúp gắn kết người dùng nhiều hơn với thương hiệu.

Người dùng mạng xã hội mà nhất là giới trẻ ngày một đông, các hãng cũng thi nhau lôi kéo họ, đây chính là điểm mấu chốt nếu muốn xây dựng cộng đồng cho sản phẩm thành công. Huawei cũng đang tích cực lôi kéo người cũ của Xiaomi.
Trong khi các hãng Trung Quốc đang giành giật cả thị phần di động lẫn người dùng mạng xã hội, điểm lợi thế cho Vsmart là ở đây, nếu đã có những bước đi thận trọng và chặt chẽ với sản phẩm và giới truyền thông, ở mảng này chắc chắn Vsmart có thể làm tốt.
Nên xem
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo
Có thể thấy, chiến lược của Vsmart dài hơn hơn rất nhiều so với các đối thủ trên thị trường bởi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ thương hiệu, truyền thông cho đến đánh vào tâm lý khách hàng tiềm năng bằng những yếu tố tích cực, hoàn toàn đối lập với cách làm của Bkav.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi rộng khắp sẽ đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong việc triển khai bán hàng và bảo hành điện thoại Vsmart trên khắp cả nước – Ảnh: Internet.
Theo thông tin từ Quyền Nguyễn (quận Tân Phú, TP.HCM), trên các cửa hàng tiện lợi đã có treo một số bản thông báo đây là nơi tiếp nhận bảo hành cho sản phẩm.
”Có vẻ như VinGroup làm tốt hơn Bphone khá nhiều ở khâu quảng bá thương hiệu đến sâu rộng người dùng ngoài thực tế. Bởi dù chưa có máy, nhưng người dùng thấy và nhận biết được điện thoại Vsmart tốt hơn, trong khi hình ảnh trưng bày tại các điểm bán Bphone hầu như nghèo nàn và không mấy ấn tượng”, anh nhận xét.
Nên xem
Hệ thống bán hàng rộng khắp cả nước chính là kênh phân phối tuyệt vời mà ngay cả Thế Giới Di Động cũng phải thèm thuồng bởi hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ đặt mục tiêu đạt 200 siêu thị, 4.000 cửa hàng năm 2020 trên khắp cả nước.
Để so sánh, Thế Giới Di Động hiện đang có hơn 1.700 cửa hàng trên khắp cả nước, còn Bkav có hơn 300 đại lý – sắp tới sẽ là khoảng 400, chủ yếu là các cửa hàng nhỏ lẻ hợp tác để ký gửi bán hàng cho thương hiệu này. |
Một khi những chiếc điện thoại Vsmart cập bến thị trường dự kiến vào 14/12, chúng sẽ nhanh chóng có mặt ở hầu như ở khắp mọi nơi, như cái cách mà Oppo làm khi đặt chân vào Việt Nam, đó cũng là thứ đã đem lại thành công cho thương hiệu này tại thị trường Trung Quốc, do chính cựu nhân viên hãng này đảm nhận.