Ai cũng có thể nói: Tôi không quan tâm người ghét tôi, nhưng mấy gã nào có thể thực sự thực hiện được điều đó?
Khi cả thế giới, từ những danh nhân tầm cỡ quốc tế cho đến những người bình thường đều có thể nhắc đi nhắc lại điệp khúc: “Bớt quan tâm đời này nghĩ gì về bạn”, “bớt quan tâm người khác suy diễn gì về ta”, “bơ đi mà sống”,…
Ừ nói thì dễ, nhưng để tôi hỏi câu này: Anh em có thể thực sự không để ý đến người xung quanh xì xầm gì về mình không?
Được, vài ông làm được, chắc chắn luôn. Một số ít thì không, nơm nớp lo sợ người khác dòm ngó về mình và luôn chăm chăm tìm cơ hội để sửa sai.
Số khác thì 50/50. lúc thì để ý tiểu tiết không đáng có, lúc thì vô tâm chẳng để ý gì.

Tôi nhớ mãi một câu nói này trong quyển Đắc Nhân Tâm để tự nhắc nhở mình, không rõ nguyên văn mà đại khái là: Con người là một tạo vật luôn khao khát được thể hiện mình và nhận lại sự tán thưởng.
Thế nên mỗi khi nhận thấy có người ghét mình hoặc một sự thù địch nào đó xung quanh, chúng ta thường dễ thất vọng, tức giận, chán nản, mất niềm tin,… và vô vàn phản ứng tiêu cực khác trước khi đi đến thái độ bất cần và không quan tâm.
Cảm xúc bình thường thôi mà, có ai muốn một ngày đẹp trời nào đó, bạn thân hay người yêu, thậm chí cả người thân của mình đến và nói thẳng vào mặt chúng ta rằng: Họ chẳng ưa chúng ta tý nào mà muốn tránh xa chúng ta đâu nhỉ.
Cái thứ gọi là cảm giác bị ghét chẳng dễ chịu gì, vỗn dĩ ta muốn được yêu thương nhiều hơn không hết thì nay nhận lại sự thù hằn và ghét bỏ, đảm bảo rằng đến những người đàn ông mãnh mẽ và nam tính nhất cũng cảm thấy chùn bước.
Nhưng hãy phân biệt rõ ràng: Bị ghét từ phía người chúng ta yêu thương và bị ghét từ những người ngoài “xã giao”.
Nếu nằm vào trường hợp vế đầu tiên thì, ok, tất nhiên buồn và tiêu cực là không thể tránh khỏi.
Anh em cảm thấy day dứt trong thời gian dài và quyết tâm tìm nguyên nhân để thay đổi. Không phải tự nhiên mà người thân chúng ta vô cớ ghét bỏ ta được.
Và cũng không thể nói ghét là từ bỏ mặt nhau.
Sửa sai, làm lại, xây dựng lại những gì anh em gây nên sự đổ vỡ trong lòng họ, mối quan hệ chắc chắn sẽ được hàn gắn.

Tôi cũng sẽ tính luôn trường hợp lý do ghét bỏ không xuất phát từ anh em mà đến từ người đối diện thì thôi, có thể đây là dấu hiệu họ không muốn dính đến ta nữa. Chấp nhận thôi.
Hãy để cho họ có thời gian, không ai vô lý đi ghét một người mà không day dứt nếu ta không có lỗi. Vậy nên, trưởng thành mà bước đi tiếp, đừng để khổ sở kéo dài dìm anh em xuống thành một người thất bại về mặt cảm xúc.
Ngược lại, trường hợp thứ 2, người ngoài khi không lại mang ý không tốt, có xã giao sơ sơ mà cũng nói đểu chúng ta.
Cái này cần cho “de” sớm chứ đợi chờ gì mà đi tìm hiểu, giải thích cho họ hiểu.
Nó không đáng, các ông à. Xã hội có cả 9 tỷ người, hơi đâu mà đi làm hài lòng hết tất cả.
Gã thông minh sẽ cười khẩy và bỏ đi đến nơi chấp nhận con người thật của mình, kẻ khờ dại cố gắng ở lại làm đủ trò để làm vừa một đứa vô danh nào đó.
Ngẩng cao đầu lên mà đi, tại sao chúng ta lại chọn đâm đầu vào những mối quan hệ xem thường anh em?
Bị ghét là một cách thanh lọc mối quan hệ hiệu quả, để ta biết đâu là bạn thực sự, đâu là “người dưng nước lã” để đỡ bám víu cho mệt đầu.
Bị ghét là một cuộc thử thách bản lĩnh của người đàn ông, chấp nhận cảm xúc tiêu cực của mình, kích thích lối suy nghĩ tích cực và chứng minh được sự trưởng thành bằng việc đi qua những điều ghét bỏ đó.

Thế nên, các ông ạ, chắc chắn là, miệng ta bên ngoài luôn khẳng định rằng: Tôi đếch quan tâm mấy đứa ghen ăn tức ở nói xấu gì tôi.
Nhưng thực chất, cũng có phiền lòng một tẹo đấy. mà chẳng sao, có thể mới vượt qua được. Đàn ông bản lĩnh dám bộc lộ cảm xúc chứ không giấu diếm rồi tự làm đau mình.
Đàn ông bản lĩnh chấp nhận những suy nghĩ người khác nghĩ về mình, thấy sai thì sửa, đúng giữ nguyên, ai hạp thì vào, ai không thì tiễn, nghĩ nhiều làm gì mệt đầu, cuộc sống cơm áo gạo tiền lo chưa xong, hơi đâu lo thiên hạ.
Đàn ông bản lĩnh để thời gian và thói quen tích cực tự up mood bản thân lên khi gặp những kẻ ưa gây chuyện đó.
Bởi chúng ta đã trưởng thành, và người trưởng thành thường làm nhiều hơn nói chứ không phải suốt ngày bô bô miệng tự hào mình làm được nhưng lại chẳng việc gì ra việc gì.
Thế thôi.