Đọc nhiều sách không quan trọng bằng việc đọc đúng.
Tôi tin rằng đọc nhiều sách chưa hẳn là tốt, nếu ta định nghĩa tốt là trở nên sáng suốt hơn trong nhận định và đạt hiệu quả cao hơn trong lao động.
Theo định nghĩa đó, tôi cho rằng, muốn tốt, phải đọc đúng. Vậy thế nào là đọc đúng?
Hãy bắt đầu với một cách nhìn ngược lại: “Thế nào là đọc KHÔNG đúng?”.
Thế nào là đọc không đúng?
Chúng ta biết rằng không cần phải đọc hết từng chữ một trong một văn bản 50.000 từ thì mới hiểu được văn bản ấy.
Chúng ta hẳn cũng biết có những người thuộc hết mặt chữ trong một cuốn sách, có thể đọc lại không sai một li, nhưng họ hoàn toàn chẳng hiểu cuốn sách đó nói gì.

Đọc đúng không phải là đếm chữ, đếm số trang sách hay số cuốn sách mình đã đọc.
Đọc mà cốt để đạt được một mốc về số chữ, số trang, số cuốn sách đọc thì chẳng đọc còn hơn.
Các hoạt động thương mại của ngành xuất bản đã biểu dương việc đọc như hành vi của người trí thức hiện đại, biến nó trở thành một thực hành thường thấy ở những “trưởng giả học làm sang”.
Người ta bắt đầu thi đua mua sách và khoe tủ sách. Họ đặt ra những mục tiêu đọc chục cuốn trong một tháng và trăm cuốn trong một năm.
Việc đọc nhiều sách lúc này trở thành một mục tiêu, thậm chí là mục tiêu hàng đầu. Tuy nhiên, đó chính là đếm chữ, là “giả vờ đọc” chứ không thật sự là đọc.
Đọc sách không bao giờ nên là đọc nhiều sách hay ít sách, bởi số lượng không phải lúc nào cũng đi đôi với chất lượng.
Đọc một nghìn cuốn sách “rác” (tức được viết và biên tập cẩu thả) không bằng đọc một cuốn được làm ra với một thái độ nghiêm cẩn và có trách nhiệm.

Đọc đúng cũng không phải là ngây ngất.
Rất nhiều người đọc sách để tìm các cảm giác: ngây ngất, hưng phấn, lắng đọng, kích động, bồn chồn, lên đồng…
Nhưng đọc kiểu đó không thể giúp ta tốt hơn, theo nghĩa sáng suốt hơn trong nhận định và đạt hiệu quả cao hơn trong lao động.
Đọc như vậy là tìm kiếm một thứ ma dược, một sự né tránh khỏi thực tại để chìm vào ảo mộng. Ta có thể xem nó như giải trí, nhưng không bao giờ có thể xem nó như là việc học.
Thế nào là đọc đúng?
Đọc đúng là biết sắp xếp những thứ mình chưa đọc.
Bể học thì vô biên, mà sách của nhân loại thì dù có sống trăm tuổi cũng không đọc hết. Vậy nên muốn đọc đúng, trước hết phải biết phân loại sách mà mình chưa đọc.
Chẳng hạn, sách dạy chăn nuôi lợn có thể hữu ích (ở một mức độ nhất định) với một kỹ sư phần mềm, nhưng nó chắc chắn không cần thiết bằng một cuốn về khoa học máy tính.
Một người đọc phải biết xếp sách nào cần đọc và sách nào không cần đọc, sách nào đọc trước và sách nào đọc sau. Đó là bước đầu để đọc đúng.

Có những lúc, không đọc thì tốt hơn là đọc.
Đọc đúng là biết sắp xếp những thứ mình đã đọc.
Cũng kỹ sư phần mềm nói trên, sau khi đọc và có được kiến thức từ sách, phải biết tổ chức lại sự vật, hiện tượng trong đầu mình theo một trật tự hợp lý.
Cuối cùng, đọc đúng là đọc với một trạng thái tỉnh táo, một thái độ nghiêm túc và một tâm thế mưu cầu chân lý.
Anh em nào hứng thú thì tôi có cách để đọc hẳn 30 cuốn sách một năm đây. Đọc thêm
Cần phải đọc thực sự, tức thấu đáo, triệt để. Hoặc là không đọc (cũng thực sự).
Cũng như người ta chỉ tỉnh táo sau một giấc ngủ thực sự, một giấc ngủ chập chờn chỉ kéo theo đó là mệt mỏi, chán chường.