Trong công việc cũng như trong học tập, anh em hẳn không ít lần nghe từ brainstorm. Nhưng brainstorm là gì và brainstorm như thế nào mới hiệu quả?
Trước hết, brainstorm là gì?
Thông thường, những công việc mang tính sáng tạo tốt nhất là nên giao cho 1 cá nhân làm, vì như vậy, giải pháp sẽ có tính hoàn chỉnh, liền mạch, nhất quán.
Nhưng nếu sự sáng tạo đòi hỏi kiến thức chuyên môn và kỹ năng của nhiều người, thuộc các lĩnh vực khác nhau. Thì liệu có cách nào để tất cả mọi người cùng tham gia sáng tạo giải pháp hay không?
Đó cũng là một trăn trở điển hình trong ngành quảng cáo.
Và có một người đã đề xuất một kỹ thuật giúp sáng tạo theo nhóm trở nên khả thi. Đó là Alex Faickney Osborn, một chuyên gia về quảng cáo và sáng tạo sống ở đầu thế kỷ XX ở Mỹ.

Ông đã đề xuất và phổ biến khái niệm brainstorm, một kỹ thuật tìm ý tưởng thông qua trao đổi nhóm.
Trong brainstorm, mỗi thành viên đều được khuyến khích nghĩ đến đâu, nói đến đó và tìm ra càng nhiều ý tưởng càng tốt, cho dù ý nghĩ đó điên rồ hay kém khả thi thế nào đi chăng nữa.
Việc phân tích, bàn luận hoặc chỉ trích/bình luận chỉ được phép thực hiện khi buổi họp này kết thúc và chuyển sang giai đoạn đánh giá kết quả.
Thực hiện brainstorm như thế nào?
Bước 1: Có 1 người được chọn để điều khiển cuộc họp nhóm và 1 người thư ký ghi lại những ý kiến thảo luận.
Bước 2: Người điều khiển cuộc họp trình bày rõ vấn đề cho tất cả các thành viên, nêu ra mục tiêu cụ thể về ý tưởng, giải pháp mà cả nhóm phải đạt được.
Bước 3: Xác lập những nguyên tắc cho buổi họp, chẳng hạn:
– Mỗi người đều phải góp lời để tìm ý tưởng, tránh việc “im thin thít và lặn mất tăm”.
– Nêu ý kiến lẫn phản bác ý kiến đều nên được thực hiện một cách có trật tự, có người nói thì phải có người nghe.
– Cuộc họp chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian xác định. Hết giờ thì phải ngưng.
Bước 4: Sau buổi họp, cùng rà soát lại một lượt những ý kiến, tìm ra ý kiến khả thi và tối ưu nhất.
Trên đây là một quy trình khái quát cho một buổi brainstorm.
Cách để chuẩn bị một buổi brainstorm hiệu quả
Trang Gamestorming.com đề xuất công thức gồm 7 chữ P giúp tổ chức brainstorm sao cho hiệu quả:
1. Purpose – Mục đích:
Cần làm rõ mục đích của việc họp, trao đổi, thảo luận nhóm. Ngay từ đầu cuộc họp, người nhóm trưởng hoặc điều khiển nhóm cần trình bày vì sao lại có buổi họp này.
2. Product – Sản phẩm
Nghĩa là, người nhóm trưởng phải nói rõ kết quả mong đợi đạt được sau cuộc họp là gì, cụ thể ta cần có ý tưởng, giải pháp gì sau buổi họp.
3. People – Con người
Trước cuộc họp, nên xác định rõ: Ai cần có mặt, với vai trò gì? Ai cần trả lời câu hỏi gì trong buổi này? Ai là người phù hợp nhất để trả lời những câu hỏi này?
4. Process – Quy trình
Mỗi cuộc họp đều nên có chương trình cụ thể (gọi là agenda). Theo đó, người ta sẽ biết phải bàn mấy vấn đề, vấn đề gì, trong bao lâu, có ai trình bày không, trình bày chủ đề gì… Đó là một cái khung sườn để mọi người thực hiện theo.
5. Pitfalls – Rủi ro
Đầu cuộc họp, chúng ta cần đưa ra những quy định cụ thể mà mọi người buộc phải tuân thủ, như không sử dụng điện thoại hay laptop, không trao đổi lạc đề, không chỉ trích hay chê bai ý tưởng của người khác, mỗi lần chỉ một người phát biểu.
6. Prep – Chuẩn bị
Cần xem xét, có cần chuẩn bị tài liệu gì không, hoặc trước cuộc họp có cần dặn dò mọi người tự nghiên cứu trước về đề tài hay không.
7. Practical concerns – Chuyện nhỏ cần quan tâm
Tức những khía cạnh cụ thể chúng ta cần quan tâm cho cuộc họp, như thời gian, địa điểm, và những điều khác (như nghỉ giữa giờ chẳng hạn).
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp anh em thực hiện brainstorm thành công trong học tập cũng như làm việc.
Ảnh: Tổng hợp.