Dưới đây là danh sách 5 manga tuy cũ nhưng vẫn rất hay, anh em có thể tìm đọc trong thời gian rảnh.
Dưới đây là 5 manga mà tôi từng xem khi còn đi học, và cũng là 5 manga mà tôi thích nhất đến giờ phút này. Những khi rảnh rỗi không biết làm gì, anh em có thể tìm đọc chúng cho đỡ chán. Bảo đảm anh em sẽ không thất vọng đâu.
01. Slam Dunk – Takehiko Inoue
Có thể nói, Slam Dunk là một trong những manga về thể thao có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Nó đã truyền cảm hứng cho giới trẻ Nhật Bản đến với môn bóng rổ.
Truyện kể về chàng trai tên Hanamichi. Hanamichi để ý Haruko, em gái của đội trưởng đội bóng rổ trường trung học Shohoku. Vì muốn gây ấn tượng với Haruko, Hanamichi đã nhận lời tham gia câu lạc bộ bóng rổ.
Nhưng rồi, sau một thời gian, cậu thực sự đam mê môn này và không ngừng luyện tập để trở thành người chơi giỏi nhất.
Tác giả Takehiko Inoue cũng là cha đẻ của một siêu phẩm khác: Vagabond. Nét vẽ của Inoue mang tính tả thực, chi tiết, nhất quán xuyên suốt và truyền được cảm xúc mạnh mẽ cho người đọc.
02. Ichi the Killer – Hideo Yamamoto
Tác giả Hideo Yamamoto đặc biệt hứng thú với những đề tài về tâm lý học, sự kỳ lạ trong nhân cách và hành vi. Nhưng cách kể chuyện của ông không hề “gây buồn ngủ”, mà trái lại rất kịch tính và đầy bất ngờ.
Cả hai đặc điểm trên đều thể hiện ở Ichi the Killer.
Nhân vật chính của truyện là Ichi, một gã trai siêu nhanh siêu mạnh và có tâm lý méo mó, bị kẻ xấu lợi dụng để biến thành một “cỗ máy giết người”. Ichi vô tình đụng độ với Shinjuku, ông trùm xã hội đen của quận Kabukichō, thuộc Tokyo.
Kabukichō vốn là tay ghê gớm, không sợ trời không sợ đất. Nhưng cuộc sống của hắn ta đảo lộn hoàn toàn khi gặp Ichi. Và hắn ta bắt đầu biết sợ là gì.
Hideo Yamamoto cũng là tác giả của một siêu phẩm khác: Homunculus.
03. Berserk – Kentaro Miura
Berserk là một thế giới hỗn loạn, bạo tàn, với chiến tranh không hồi kết. Du hành trong thế giới đó, chúng ta sẽ thấy chính mình đối mặt với những câu hỏi rất cơ bản: Như liệu nhân loại là tốt hay xấu? Liệu bản chất con người là tốt hay xấu?
Một manga giàu tính sử thi, rất đáng để anh em dành thời gian đọc.
04. Uzumaki – Junji Itou
Giờ chúng ta sẽ nói đến thể loại kinh dị. Và nhắc đến manga kinh dị Nhật Bản, không thể không nhắc đến Junji Itou, tác giả của một loạt những truyện tranh one-shot đầy khiêu khích như The enigma of amigara fault, Gyo, The hanging balloons hay Layers of fear.
Truyện tranh kinh dị của Junji Itou không phải những câu chuyện giết người báo oán mang đậm màu sắc nhân quả thiện ác, mà nó xuất phát từ những phi lý của vũ trụ, vượt ra ngoài phạm vi đạo đức của con người.
Chính vì vậy mà nhiều người hay so sánh ông với H. P. Lovecraft, tiểu thuyết gia kinh dị nổi tiếng với thể loại cosmic horror.
Uzumaki là kết tinh của nhiều yếu tố đặc trưng trong truyện kinh dị Junji Itou: Những điều phi lý, thảm kịch trên diện rộng, sự biến dạng và nỗi ám ảnh không hồi kết.
05. Monster – Naoki Urasawa
Naoki Urasawa được nhà văn đoạt giải Pulitzer Junot Diaz gọi là “quốc bảo của Nhật Bản”. Những tác phẩm lớn của ông, như Monster hay 20th Century Boys, có thể nói là những “công trình” rất đồ sộ.
Có thể nhận thấy trong truyện của ông: Hệ thống nhân vật phong phú đa dạng mà đều có chiều sâu tính cách. Các tình tiết đan cài phức tạp mà vẫn logic, thú vị. Cốt truyện có tính sử thi, hùng tráng, mở chốt đều hay.
Và đáng nói nhất, truyện của ông tuy là sáng tạo, nhưng có rất nhiều liên hệ đến các yếu tố thực về lịch sử, địa lý lẫn văn hóa. Điều đó đòi hỏi một sự nghiên cứu rất sâu, rất khủng khiếp về nhiều lĩnh vực.
Monster chẳng hạn, lấy bối cảnh nước Đức và Cộng hòa Séc khoảng thập niên 80, 90. Trong khi đó, Naoki Urasawa chủ yếu sống ở Nhật Bản mà vẫn sáng tác Monster một cách đầy thuyết phục. Điều này đủ thấy sự lớn lao và nghiêm túc trong cách làm việc của ông.
Còn anh em, anh em có hứng thú với bộ manga nào không? Hãy giới thiệu cho tôi biết với nhé.
Ảnh: Tổng hợp.