Cái ác đang hiện diện ở đấy, nhưng trốn chạy hay đắp lũy thủ thế trong việc cô độc hóa chính mình không làm chúng biến mất.
Chúng ta đang xem hoặc là diễn viên trong một hồi bi kịch bất tận mỗi ngày, khi đọc báo, khi lướt Facebook, khi tán gẫu, thậm chí khi đang đi trên đường.
Những câu chuyện bất tận về nỗi nguy hiểm, về những kẻ thủ ác rình rập, về những tên cướp lẩn khuất, về những kẻ biến thái đang quẩn quanh, về cái chết bất ngờ từ những tai nạn phi lý nhất, từ nỗi đau khổ và tuyệt vọng của người khác.
Tất cả đều có đủ mỗi ngày, ra rả bên tai, bày biện trước mắt, không thể tránh khỏi, chúng ta đứng giữa hồi bi kịch bất tận và nghĩ, làm thế nào đây để có thể có một cuộc sống bình thường.
Nên xem
Đó là lúc chúng ta trở thành diễn viên cho vở bi kịch xã hội ấy, chúng ta đã chịu tác động, lây phần năng lượng xấu nhất và khiến cuộc sống của chính mình bị ảnh hưởng.
Chúng ta có thể chắt lưỡi rằng “tuổi thơ mình đẹp thế, tự do với bao nhiêu trò chơi trên đồng…”, rồi chính ta không cho con đi một mình ra quán tạp hóa cách nhà 20 mét mua đồ, vì “thời này sợ quá, biết bao nhiêu là nguy hiểm”, đó là khi bi kịch len lỏi đến.

Chúng ta có thể kể cho những đứa trẻ nghe về kỷ niệm nên thơ trong sự êm ấm dưới bóng của ông bà, chú bác, những hàng xóm láng giềng ngày xưa, rồi cũng chính ta nhìn nghi ngại từ người hàng xóm cho đến người thân khi chơi đùa với con trẻ mình vì “chuyên gia nói rằng, ai cũng có thể là kẻ biến thái với trẻ con cả”.
Chúng ta trách những đứa trẻ không biết tự lập, rồi chính chúng ta giữ rịt chúng trong mọi tình huống, vì “đến người lớn đi giao gà mà còn bị giết”, đó khi bi kịch sờ đến ta.
Nên xem
Rồi ngay cả chúng ta, trong mối lo sợ thái quá về tất cả các bi kịch đang đến, sẽ đến, chúng ta ngại giao tiếp hơn, ít chia sẻ hơn, nghi ngờ nhiều hơn, cảnh giác với toàn thế giới bên ngoài và như thế bỏ qua các cơ hội, tự kéo đời mình vào trong một ốc đảo lo sợ.
“Sự tuyệt vọng của con người chính là cơ hội của… người khác”, ai đó đã nói thế. Mọi nỗi lo sợ đều được đồ đậm lên, hằn vết trong mọi cư dân, nhất là các cư dân đô thị lớn, đã tạo cơ hội cho rất nhiều những lớp “kỹ năng mềm” cho trẻ em, những kỹ năng chẳng biết để làm gì, chống lại được ai.
Mỗi loại ứng xử trong giao tiếp trong xã hội được bày biện ra mỗi khóa học tương ứng mà chung quy chỉ là phải cảnh giác hơn, phải co rút hơn để giữ an toàn.

Bi kịch, cái ác đang hiện diện ở đấy, nhưng trốn chạy hay đắp lũy thủ thế trong việc cô độc hóa chính mình và thù địch hóa toàn bộ xã hội không làm chúng biến mất, hay ngăn chúng đừng chạm đến mình.
Những tốt đẹp vẫn ở ngoài ấy, thậm chí những sự bình thường khiến cuộc sống vận hành đang ở ngoài ấy, những cái xấu chỉ là phần nhỏ trong cái bể xã hội lớn ấy thôi.
Nhịp sống vẫn chảy, những cái xấu, cái ác được phơi bày để chúng ta chống lại cái ác, cho chúng không còn diễn ra nữa, chứ không phải để ta đi thù địch với người hàng xóm.
Đừng làm diễn viên trong một hồi bi kịch, hãy sống một cuộc sống bình thường, tự do, tự tin, yêu thương, quan tâm, chăm sóc…
Nên xem
Tất cả những điều ấy vẫn diễn ra trong đời sống của mỗi chúng ta, dù cái ác có hay không xuất hiện trên trang chủ các thông tin mỗi sáng.
Sống đàng hoàng, tự do và biết cách tôn trọng những người đàng hoàng, tự do khác có khi chính là cách góp tay đẩy lùi cái ác.
Cái ác sẽ không có nỗi khoái trá khi gieo rắc được nỗi sợ, thay đổi được hành vi sống của chúng ta. Bằng cách sống bình thường, chúng ta sáng lên, ngay giữa hồi bi kịch.