Những cải tiến giáo dục, những trách nhiệm xã hội… sẽ không mang một ý nghĩa nào nếu không thể có sự công bằng trong học tập và cơ hội cho tất cả mọi người.
Câu chuyện về mỗi trường hợp được nâng điểm thi xét tuyển vào đại học vừa rồi phải bỏ chi phí tối thiểu 1 tỷ đồng đã khiến nhiều người phẫn nộ, nhiều người rơi nước mắt.
Người phẫn nộ thì dễ hiểu, họ phẫn uất cho việc trong sự gian dối ấy, có thể tương lai bao nhiêu kẻ bất tài sẽ ở các vị trí ngon lành mà trực tiếp và gián tiếp làm ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Một đời sống có thể tốt đẹp hơn nhiều nếu không có những con điểm bị sửa, những tương lai bị đánh cắp.
Còn người rơi nước mắt, sâu xa hơn, là những người đã thấy các con số ấy từ 1 điểm thành gần thủ khoa, từ 1 tỷ đồng trở lên cho mỗi trường hợp, chứa một ý nghĩa phũ phàng hơn.
Người ta củng cố vị thế từ trứng nước, những lợi ích nhóm 10 năm nữa đã được lập trình sẵn từ hôm nay, từ một nhóm lợi ích hiện hành.
Nên xem
Những giọt nước mắt xa xót có thể nhỏ cho sự mù mờ rằng liệu cái đám mây mù lợi ích ấy đã lởn vởn trên bầu trời giáo dục bao nhiêu năm rồi, liệu trường hợp phát lộ này có là cá biệt?
Hãy thử nhìn vào các ngành được chọn cho thí sinh chạy điểm vào, chủ yếu là quân đội, công an, cá biệt có cả ngành y.
Đó là những trường đào tạo riêng biệt, những người khi tốt nghiệp sẽ đảm bảo có được một công việc hành chính, với các chuyên môn về điều hành, quản lý xã hội.
“Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa”, 1 tỷ đồng chỉ là bước đầu tiên để đảm bảo con em những người không có tiền, không có quyền thế nhờ vả sẽ phải ở lại với những chiếc lá đa rơi ngập đời sống.

Sau bước đầu tiên ấy, cuộc đầu tư cho vị thế có thể sẽ chưa dừng lại. Những kỳ thi cần phải có năng lực để vượt qua, người ta có thể chạy. Một vị trí ngon khi ra trường, người ta có thể chạy.
Những thăng tiếng vị trí lên các vị trí béo bở hơn, người ta có thể chạy. Những cái chạy tiếp theo, sẽ tốn bao nhiêu tỷ đồng? Ai đo lường cho hết?
Trong tình huống đó, một quan chức cấp cao có con “bị” nâng điểm đợt rồi đã nói rằng kỷ luật cán bộ do bầu cử là rất khó. Khi khó kỷ luật, thì cán bộ có thể yên tâm ở lâu tại một vị trí nào đó béo bở sau nhiều năm, nhiều tỷ đồng hoạch định để đạt được.
Nên xem
Trong tình huống đó, ngay từ hôm nay, bao nhiêu phận người quét lá đa đã phải “góp” tiền cho cuộc chạy tiếp theo đó, khi người chạy đang ở các vị trí có thẩm quyền.
Những phận sãi và con sãi từ đó lại buồn thêm, nghèo thêm, những bi kịch đã được khởi động, lớn lên và bùng nổ.
Những giọt nước mắt đang khóc cho những gì đã, đang và sẽ diễn ra, nằm sau một câu chuyện nâng điểm đại học.
Những cải tiến giáo dục, những trách nhiệm xã hội… sẽ không mang một ý nghĩa nào nếu không thể có sự công bằng trong học tập và cơ hội cho tất cả mọi người, dù là “con vua” hay “con sãi”.
Nên xem
Hi vọng từ đợt vỡ bục của ung nhọt này, câu cuối cùng “con vua thất thế lại ra quét chùa” sẽ được thấy, không phải như sự trả thù, mà như biểu hiện của một sự công bằng trong đánh giá về năng lực của mọi công dân trong xã hội, bất kể xuất thân.