Việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc một lần nữa vi phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam có thể là một phần trong kế sách “rút củi đáy nồi” của Bắc Kinh.
Từ hôm qua đến nay có một số thông tin cho rằng tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc cùng một số tàu hộ tống đã quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào chiều ngày 13.8.
Những bản tin này dựa trên một trang thông tin chuyên về dữ liệu tàu biển. Thông tin Trung Quốc lại một lần nữa cho tàu khảo sát vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam rồi đây sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ.
Nên xem
Trước đó, nhiều chuyên gia nhận định việc Trung Quốc tạm rút tàu ra vào ngày 7.8 có thể vì lý do phòng tránh thời tiết xấu hoặc tiếp tế.
Tuy nhiên, ở đây tôi muốn bàn đến một khả năng khác là Trung Quốc đã chủ động tính toán việc tạm rút tàu ra trước khi đưa tàu trở lại, tái diễn hành vi nghiêm trọng trong vùng biển Việt Nam.

Có 3 động cơ cho để Trung Quốc diễn trò “cù nhây” này.
Thứ nhất, hoạt động phi pháp của tàu Hải Dương 8 đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Việc rút tàu ra có thể làm xao lãng sự quan tâm của dư luận, làm giảm bớt độ nóng của vấn đề.
Một khi tàu Trung Quốc quay trở lại, sự chú ý của truyền thông và dư luận quốc tế không còn được sâu sát như lần đầu tiên.
Nên xem
Thứ hai, việc rút tàu ra và đưa tàu vào như thế nếu tái diễn nhiều lần thì theo thời gian có thể biến hành vi vi phạm nghiêm trọng này trở thành “sự bình thường mới”, phục vụ cho mưu đồ biến khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp.

Thứ ba, việc rút tàu ra và đưa tàu vào có thể làm tiêu hao sức lực của các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam. Trong khi các tàu Trung Quốc trong trạng thái nghỉ ngơi thì lực lượng Việt Nam vẫn luôn phải sẵn sàng đề phòng sự xâm phạm trở lại của tàu Trung Quốc.
Chính vì thế, cần phải tiếp tục theo dõi, kiên quyết, kiên trì đấu tranh trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.