Bởi một đôi giày có khả năng “cân” mọi phong cách, dại gì mà không dùng hỡi các thanh niên. Cùng tìm hiểu những lý do bên dưới nào!
Xin lưu ý:
Đây không phải là một bài giới thiệu hay quảng cáo về Converse 1970s.
Càng chẳng phải nơi PR cho đôi sneaker quá nổi tiếng với hơn 9 triệu 330 nghìn kết quả tìm kiếm trên Google.
Vốn dĩ chỉ là nơi tôi chia sẻ và tìm kiếm những anh em trung thành với “đế chế” Converse cổ điển cùng vài thú vui nhắc nhớ vì sao chúng ta lại thích đôi giày này.

Là dân mê giày (chưa dám tự nhận là một sneakerhead), tôi phải đảm bảo bản thân rằng:
Nếu chọn Converse làm “tâm giày” trong lòng thì nhất định phải sở hữu hết toàn bộ các dòng sản phẩm của thương hiệu.

Mà khổ nỗi, nhiều lúc mua giày xong về nhìn lại cái tủ, trên dưới chỉ thấy Converse một hàng, từ Classic, Chuck II, thiết kế na ná nhau, cùng đúc từ một khuôn giày.
Cũng là thân vải ôm sát cổ chân, đế cao su trắng, viền nhiều màu theo màu giày, phía sau gắn logo, phía trước làm viền rằn chống bẩn.
Vậy rồi chúng ta cần gì đến đôi Chuck 70s nữa?
#1 Vì tiết kiệm
Một đôi giày “cân” tất cả các phong cách thời trang đang mặc, bạn nghĩ sao nếu tôi có thể khẳng định như vậy – Lấy ý từ slogan đập vào mắt mỗi khi đến các cửa hàng giày.
Và tôi không nghĩ họ chỉ nói suông để tăng doanh thu bán hàng của mình lên đâu.

Nếu lên trên các website về thời trang nam (hoặc lang thang trên các trang mạng xã hội Oxii Mặc chẳng hạn), chẳng có một bài chia sẻ cụ thể nào hướng dẫn mang Converse 1970s phải mặc theo một style nhất định.
Đó cũng là một lựa chọn dành cho những gã lười như tôi, quanh năm chỉ mang đúng một đôi giày để tiết kiệm mọi thứ cho tủ đồ của mình.
Mang giày đến khi nào chúng tơi tả, không còn xài được nữa mới thôi.
Mà cũng hay, đây chính là ý tưởng hình thành nên những đôi Converse.
Nói thật, Converse là hãng đầu tiên dám quảng bá những đôi giày cũ kỹ, rách nát của các KOLs cho câu chuyện của mình:

Mỗi vết rách, mỗi vết bẩn dại diện cho một câu chuyện, bạn là người quyết định đôi giày đang mang, bạn quyết định chuyến phiêu lưu trong cuộc đời.

Nghe thông điệp có vẻ sâu xa, nhưng chung quy đại ý vẫn là: Giày của tôi càng cũ càng có giá trị hơn các sản phẩm xu hướng.
Bạn muốn đảm bảo túi tiền bền vững, thế thì chọn Converse đi.
#2 Che khuyết điểm cho đôi chân thô
Ok, điểm làm 1970s khác với những “anh chị” đi trước của nó: Độ ôm bám chân khéo léo và thanh lịch hơn hẳn.
Nói riêng về kiểu dáng, chúng “ăn điểm” ở việc giấu đi đôi chân to, kém thon gọn của nhiều người.

Giả dụ bạn đặt hai đôi giày cùng lên bàn so sánh, Chuck 70s với bất kỳ hãng giày khác, cùng một size chân thì thấy rằng Converse 1970s trông nhỏ gọn hơn chứ.

Mặc dù chỉ là cảm giác, nhưng thực sự thương hiệu thành công trong việc an ủi những người đang tự ti về đôi chân của mình: À, nó đâu có thô bè và không mấy đẹp đẽ đến vậy.
Thế là thêm được lý do cần mua rồi.
#3 Làm hài lòng fan trung thành
Đa số những người đi theo Converse bởi một lẽ: Thiết kế giống nhau vì người hâm mộ muốn chúng giống nhau như thế, chứ đừng thay đổi cái đặc trưng vốn có của đôi giày.

Nike, Adidas nâng tầm kỹ thuật thiết kế từ chức năng đến mẫu mã bên ngoài của mình để chiều sự thay đổi của khách hàng.
Riêng nhãn hiệu này lại không: Công dụng thì khác biệt nhưng kiểu dáng thì một tông.
So sánh thử dòng All Stars Classic và Chuck 70s, nhìn thoáng qua ai biết tụi nó có khác nhau hay không.
Vậy mà ra mắt, dân tình vẫn điên đảo tìm mua cho bằng bạn bằng bè.

Có thể nói rằng Converse kiêu ngạo đi theo lối mòn mà không thay đổi.
Nhưng cá nhân tôi thấy, nếu thực sự thiết kế giày chạy theo thời thế, chắc gì chúng còn trụ lại trong lòng fan trung thành, như tôi chẳng hạn.
Vậy thôi, nói nữa lại bảo tôi đang PR không công cho nhà 1970s.
Còn nếu muốn kiểm chứng những dòng bạn vừa đọc, lên mạng và gõ tên đôi giày vào.
Bạn suy nghĩ gì về nó?