Câu chuyện “cắt phế” hay dễ thương hơn gọi là “hoa hồng” ở những bản hợp đồng của bóng đá Việt vốn chẳng mới. Nhưng, với giá “phế” mới, nhiều người thốt lên, muốn giàu mà thanh thản, hãy vào VFF làm.
Năm 2013, những người anh em mê bóng đá khá bất ngờ khi nhận tin, VPF kiếm được tài trợ lên đến 47,3 tỷ đồng cho 3 giải bóng đá V-League, hạng Nhất Quốc gia (QG), Cúp QG ở mùa 2013. Hợp đồng kéo dài 3 mùa bóng lên đến 100 tỷ đồng.
Nhà tài trợ chính là Eximbank, một ngân hàng mà lãnh đạo cũng là Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng.
Và bởi vì nhà tài trợ là ngân hàng, thêm vào đó lãnh đạo VPF thời đó muốn minh bạch mọi thứ nên trên bảng báo cáo thu chi cuối năm được công khai. Người ta mới biết được, phí môi giới tài trợ là 10%.
Nghĩa là, cứ 100 tỷ thì bóng đá Việt mất đi 10 tỷ gọn ơ.

Nên xem
Thời điểm đó, khổ thân, ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch VFF lúc đó – bị biết bao điều tiếng. Khi nhiều người cho rằng, vì là lãnh đạo cả Ngân hàng lẫn VFF nên, chuyện tài trợ giúp ông “giàu mà vẫn thanh thản”.
Dù, đó là quy định đã được ban hành hẳn hoi bởi VPF.
Nhưng, giờ, khi VFF với bộ máy lãnh đạo mới, người hâm mộ mới biết, VPF “cắt phế” chưa thấm gì cả.
Mới nhất, theo thông báo từ VFF, một nhãn hàng sữa tài trợ chính cho đội tuyển QG trong vòng 3 năm, với giá trị khoảng 60 tỷ đồng. Mỗi năm tương đương 20 tỷ chưa bao gồm hiện vật.
Và trong thương vụ này, công ty Nam Hương, nơi được coi là nhà môi giới được hưởng 30% giá trị hợp đồng, theo quy định của VFF.
Nói cho vuông, VFF đã khiến đội tuyển QG “hụt nhẹ” 18 tỷ đồng khi chỉ còn nhận được 42 tỷ.

Nên xem
Thật ra, sẽ có nhiều lý do như, bóng đá Việt đang đi xuống, thương hiệu đội tuyển QG không thu hút được sự quan tâm… để người ta có thể lý giải, vì sao chi phí cho môi giới lại lên đến 30%.
Còn chuyện, đội tuyển QG có đang mất giá không? Có được người hâm mộ quan tâm hay không? Các bạn tự trả lời đi nhé.
Chỉ có chi tiết thế này khiến nhiều người thắc mắc.
Bà Nguyễn Thu Hương – Tổng giám đốc công ty Cổ phần Truyền thông và đầu tư Nam Hương, đơn vị thụ hưởng 30% từ VFF, lại cũng chính là thành viên của VFF. Cụ thể, bà Hương là Ủy viên Ban Tài chính và Vận động tài trợ nhiệm kỳ VII (bắt đầu từ tháng 12/2018).
Nghĩa là, nói một cách nào đó, công việc chính của bà Hương là tìm nhà tài trợ cho VFF.

Nên xem
Điều này khiến nhiều người hâm mộ đang tự hỏi. Tại sao, VFF lại phải “cắt phế” cho công ty do thành viên của mình quản lý? Vì sao VFF quyết định cắt phế lên đến 30%? Có hay không gút mắc gì ở đây trong số tiền 18 tỷ mà VFF mất đi?
Tất nhiên, cùng với những thắc mắc, người ta cũng đã hiểu dần ra, vì sao nhiều người lại thích vào VFF làm đến thế. Bởi, nếu mọi chuyện “thuận tự nhiên” thì có lẽ, vào VFF là cách giàu mà thanh thản nhất.
Thật luôn.
Nên xem