Trong một thời đại ghi nhận sự thành công của lối chơi mang hơi hướm cống hiến, hay cách quản trị nhân sự theo kiểu nồng ấm và mang tính khích lệ nhiều hơn là chỉ trích, Mourinho đã tự đào hố chôn mình.
“Mourinho đã rời Manchester United ” – dòng thông báo ngắn gọn trên trang chủ CLB viết. Sự tôn trọng đã được thể hiện, cho tới phút chót.
Ban lãnh đạo Manchester United đã dùng động từ “leave” – “rời đi” để nói về Mourinho, thay vì một cách diễn đạt khác mang tính tiêu cực hay có phần trịnh trọng.

Mourinho đã đến, và đi, giống như một người rời căn nhà họ từng mơ ước. “Được dẫn dắt Manchester United sẽ là điều tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của tôi” – HLV người Bồ nói vào tháng 8/2010, khi đang dẫn dắt Real Madrid.
Bởi vì sau hai năm rưỡi có mặt tại “nhà hát của những giấc mơ”, Mourinho đã phá hỏng quá nhiều giá trị tự thân của một trong những đội bóng vĩ đại nhất thế giới.
Bằng cách than phiền, chỉ trích, gây náo loạn, và thất bại. Thất bại bằng thứ “nghệ thuật hắc ám” từng giúp ông vươn lên đỉnh cao quyền lực của làng bóng đá thế giới.
Những cuộc họp báo trước và sau trận đấu không còn là nơi để ông thể hiện thành công “thứ nghệ thuật hắc ám”, thứ từng làm nên tên tuổi của mình nữa.
Mourinho chỉ trích vô tội vạ các học trò, đã gọi họ là “những đứa trẻ hư hỏng”, những cầu thủ “thiếu phẩm chất chơi cho Man Utd”,… Mourinho than phiền về ban lãnh đạo đội bóng, mỉa mai các HLV đối thủ: “19 HLV còn lại của Premier League chỉ có hai chức vô địch, còn tôi thì có ba”, chỉ trích nhà báo và yêu cầu “sự tôn trọng”.

Chỉ có điều, bây giờ, Mourinho đã không thể khiến cả thế giới chống lại M.U, như cái cách ông từng làm ở Inter Milan hay Real Madrid. Mourinho không thể khiến các học trò như Paul Pogba hay Martial “sống chết” vì mình.
Bởi vì đây là một thời đại khác của bóng đá. Thời đại của truyền thông, của mạng xã hội, của thứ bóng đá mang tính giải trí được ưu tiên và đang thắng thế.
Và bởi vì đây còn là Manchester United, một CLB với quá nhiều giá trị đặc biệt không thích hợp cho Mourinho sử dụng thứ nghệ thuật hắc ám của mình.
Khi Mourinho thắng tại Juventus, ông nhếch mép cười nhạo báng cổ động viên đối thủ.

Khi Fellaini ghi bàn phút chót giúp M.U lọt vào vòng 16 đội Champions League, Mourinho quật tung chai nước.

Nếu bóng đá là showbiz, Mourinho là nhân vật gây nhiều “drama” nhất.
Nhưng đó là thứ drama không có lợi cho đội bóng. Nhất là khi mà đến năm thứ ba dẫn dắt Manchester United, thứ bóng đá của đội bóng vẫn không thành hình.
Khi các CĐV United nhìn quanh, họ thấy Jurgen Klopp, Pep Guardiola, Mauricio Pochettino và Maurizio Sarri với thứ bóng đá rõ ràng, cùng nghệ thuật quản trị nhân sự hoàn toàn khác. Nồng ấm hơn, dễ chịu hơn, sáng sủa hơn.
Chỉ còn Mourinho là loay hoay mắc kẹt với đống hổ lốn do chính mình tạo ra. Mười tám triệu bảng tiền đền bù sau khi bị Manchester United sa thải đủ khiến tài khoản của “Người đặc biệt” thêm sung túc.
Và nó cũng đủ để ông nhìn nhận lại, rằng liệu mình có nên tiếp tục sử dụng thứ nghệ thuật hắc ám, thứ đã giúp mình leo lên đỉnh cao của bóng đá thế giới nữa hay không.