Đó chính là lời nhận định ở quán trà, hàng nước nhiều nhất sau sự kiện nữ CĐV Hà Nội phải nhập viện vì pháo sáng mà đến nay chưa tìm ra thủ phạm.
Có thể, đó chỉ là lời nói đùa, nghe hơi vô lý nhưng lại cũng có lý chứ chẳng đùa.
Cũng là sân Hàng Đẫy. Cùng là ở V.League, vì cớ làm sao chỉ có các trận đấu của Hà Nội là cảnh loạn lạc lại diễn ra liên tục, còn Viettel thì không?
Nói không hề dóc, đội Hà Nội là câu lạc bộ đứng giữa hai lằn ranh yêu và ghét mà phần ghét lại trội hơn hẳn. Yêu đội Hà Nội thì chẳng phải bàn, một ít giới truyền thông mà trên các diễn đàn, thậm chí người ta còn chỉ đích danh. Một ít người thật sự thương các cầu thủ, mến các chân sút mà yêu luôn đội bóng.

Nhưng ghét thì đông thôi rồi. Chẳng cần làm gì nhiều, trên khắp các diễn đàn bóng đá các đội bóng còn lại, người hâm mộ mỉa mai về thành tích đội bóng, về sự nhúng tay sâu của ông bầu, thậm chí về vị HLV họ Chu với “võ công cao cường”.
Chung quy cũng do ức mà thành.
Ức vì chuyện một ông bầu có nhà nuôi nhiều “thằng gầy” chuyên đi đánh hội đồng như kiểu bầu Đức tuyên bố công khai.
Nên xem
Ức vì chuyện đội bóng nhiều địa phương có truyền thống, đá trối chết, tìm nhà tài trợ vật vã. Cuối cùng, nhà đầu tư bỏ cuộc vì “đá thế chứ đá nữa, đầu tư thế chứ đầu tư nữa, cũng chẳng thể vô địch” như lời bầu Quyết FLC trối lại trước khi nghỉ chơi với Thanh Hóa.
Vậy cái ức ấy từ đâu mà thành?
Từ VFF – VPF mà thành chứ đâu. Ngày thành lập VPF, bầu Kiên cùng bầu Đức, bầu Thắng… và một số ông bầu đội bóng quyết dẹp chuyện một ông bầu. Chẳng phải để Gạch hay Gỗ, hay Hà Nội của bầu Kiên khi ấy vô địch. Mà là để sân chơi công bằng hơn.
Tiếc thay, sau khi bầu Kiên không thể tiếp tục cùng bóng đá. Số lượng đội bóng “có liên quan” đến bầu Hiển ngày càng tăng chứ không giảm. Sự ấm ức của các đội bóng còn lại, cùng vì thế mà tăng lên cao ngút.

Chẳng phải, chỉ mình bầu Đức hay bầu Thụy, bầu Quyết nói thẳng, đến HLV của Khánh Hòa, của Nam Định cũng đã “đá xoáy” đấy thôi.
Hẳn nhiên, với các cổ động viên, họ chẳng bị ràng buộc bởi những điều lệ, sự ấm ức ấy không thể không có chỗ trút.
Vậy là, cứ đội Hà Nội đi sân khách, BTC sân phải vất vả để thu bớt những băng rôn, biểu ngữ chửi đội, chửi bầu. Những trận đấu ở sân nhà Hàng Đẫy thì luôn là một đấu trí lẫn đấu sức.
Đã có lúc, nhiều người dùng “uyển ngữ” để nói chuyện đốt pháo sáng cũng có cái hay, cái đẹp vì thể hiện nhiệt của người xem hay làm khán đài sinh động hơn.
Nhưng, đó là nói cho qua thôi, chứ các CĐV nhiều đội cay lắm. Họ lén mang pháo sáng vào đốt để đội Hà Nội bị phạt tiền, bị cấm vì sự cẩu thả trong khâu tổ chức.
Nhưng càng đốt, cái ức càng lên cao khi VPF rồi VFF chỉ chọn cách phạt tiền BTC sân Hàng Đẫy rồi thôi. Cao trào của sự ấm ức chính là chuyện, VPF – VFF ra án phạt cấm sân Hàng Đẫy rồi ngay sau đó, trút hết lỗi lên CĐV đội Hải Phòng, xóa án cấm sân nhanh như cách người yêu cũ trở mặt.
V.League đi vào giai đoạn cuối cùng của mùa bóng. Đội bầu Hiển chỉ còn 2 trận sân nhà, nên chuyện chắc ngôi vô địch gần như rõ ràng.

Nếu trái pháo trên sân đã được đốt và tác hại rõ ràng thì trái pháo trong lòng CĐV những đội bóng ở nhiều địa phương càng lớn hơn.
Điều gì đến đã đến, chuyện đốt pháo, thậm chí hướng thẳng vào khán giả của đội bạn là điều tuyệt nhiên không thể chấp nhận. Chắc chắn, sẽ có những bản án của pháp luật được đưa ra.
Nhưng, nếu nhìn kỹ, câu nói “chính VFF – VPF mới là người châm ngòi đốt pháo” trong lòng nhiều CĐV cũng chẳng sai.
Nếu VFF – VPF quyết liệt từ đầu, nếu nghiêm khắc với chính BTC trận đấu, nếu điều hành công minh, không khiến cho CĐV các đội tự cảm thấy họ đội bóng họ yêu thương đang bị bất công, thì làm gì nên nỗi.
Thật luôn.
Nên xem