VĐV cử tạ Laurel Hubbard đứng trước cơ hội lịch sử khi trở thành người chuyển giới đầu tiên giành vé tham dự Olympic.
Theo Reuters, Laurel Hubbard đã đạt điều kiện tham dự Olympic Tokyo 2020 vì những thay đổi về cách lựa chọn VĐV tham dự do ảnh hưởng của Cô-vi.
Uỷ ban Olympic New Zealand (NZOC) cũng tin rằng “Hubbard đủ điều kiện để đại diện cho quốc gia tranh tài tại giải sắp tới”.

Hubbard vốn thi đấu ở các giải Cử tạ nam trước khi chuyển giới vào năm 2013, thời điểm cô đã 35 tuổi.
Kể từ năm 2015, Hubbard đã đủ điều kiện để thi đấu tại Olympic, khi Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) cho phép người chuyển giới góp mặt tại sân chơi hàng đầu thế giới.
Quá trình vượt qua định kiến của Hubbard vô cùng gian nan. VĐV này từng bị CĐV la ó sau khi đoạt huy chương Vàng tại Thế vận hội Thái Bình Dương (Pacific Games).

Khi đó, VĐV này bị chính các CĐV trên khán đài la ó và chỉ trích rằng “thiếu công bằng cho các VĐV khác”. Tuy nhiên, Hubbard vẫn phớt lờ tất cả. Cô còn trêu ngươi những người chỉ trích mình bằng hành động hôn gió.
Khi tham dự giải Commonwealth Games vào năm 2018, Hubbard đã bị Liên đoàn cử tạ Úc phản đối kịch liệt. Đến nỗi cô đã phải rút lui và lấy lý do “chấn thương khuỷu tay”.
Năm 2017, Hubbard giành huy chương Bạc ở giải cử tạ Vô địch thế giới, vài năm sau khi cô nàng chính thức trở thành phụ nữ. Hiện tại, Hubbard đang xếp thứ 17 trên BXH những VĐV cử tạ nữ hay nhất thế giới.

BBC đánh giá Olympic Tokyo 2020 sẽ là cơ hội để Hubbard giành được huy chương. Nhiều đối thủ xếp hạng cao hơn cô đều vắng mặt vì mỗi quốc gia chỉ được phép có một VĐV trong một hạng mục.
Hubbard là niềm hy vọng gặt hái huy chương của cả đất nước New Zealand. Quốc gia này sẽ góp mặt đủ 4 VĐV ở 4 hạng mục, thay vì 6 hạng mục như trước đây vì ảnh hưởng của Cô-vi.
Trong khi đó, cường quốc thể thao Mỹ cũng không phản đối ý tưởng cho Hubbard tranh tài tại Olympic Tokyo.
Olympic Tokyo dự kiến khởi tranh từ ngày 23/7 tới. Tuy nhiên, giải đấu này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính dân Nhật Bản. Trong một cuộc khảo sát 200.000 người bản địa, có đến hơn 187.000 người muốn huỷ bỏ giải.