Lứa Công Phượng, Xuân Trường,… bị ép chín với những bước “nhảy cóc” cực kỳ tai hại. Điều đó khiến toàn bộ hệ thống đào tạo của HAGL sẽ chỉ có sản phẩm tốt hơn trong 5 năm tới.
Nếm mùi thương đau rất muộn
Mỗi trung tâm đào tạo bóng đá đều có triết lý riêng để tạo bản sắc. Nhưng sau cùng, mọi giáo án, phương pháp đều phải phù hợp với hoàn cảnh ở đất nước sở tại.
Cầu thủ HAGL được đào tạo theo giáo án của Học viện JMG, có quy định bắt buộc là đến 15 tuổi mới bắt đầu được phép mang giày.
Quy định trên không phù hợp với môi trường đào tạo trẻ bóng đá Việt Nam. Sở dĩ JMG có quy định đó là để phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của những cầu thủ trẻ châu Phi. Nơi khó mà có từ ngữ không gây mất thiện cảm để nói về cái nghèo.

Thực tế tại Việt Nam, U11 là lứa đầu vào, lên tới U13 đã bắt đầu sàn lọc mang tính “đi chuyên nghiệp”, chứ không phải đợi cho đến U15 mới bắt đầu mang giày.
Tuyển thủ Phạm Đức Huy từng bộc bạch rằng: “Ở đội U11, em phải vượt qua 10 bạn. Lên đội U13 là 20 bạn. Càng ‘lên lớp’ thì số bạn mình phải ‘đấu cùng’ càng nhiều”.
Hay như ở “cái nôi” của rất nhiều tài năng bóng đá Việt Nam là Nghệ An. Từ những thập niên 80 của thế kỷ trước, mỗi phường, huyện đều có riêng một đội bóng nhi đồng và một đội bóng thiếu niên, thay phiên nhau tranh tài ở nhiều giải cấp địa phương, cấp tỉnh và từ đó sàng lọc để đá cấp quốc gia.

Sau lứa Công Phượng, Xuân Trường,… Học viện HAGL JMG rơi vào cảnh không được nhiều địa phương chấp nhận cho đến tận nơi tuyển quân. Đơn giản vì trên địa bàn đã có đội bóng chuyên nghiệp hoặc có chương trình liên kết với một đội bóng khác.
Khi “đầu vào” không còn vượt trội và được san bằng, những khóa sau đó của Học viện HAGL JMG thực sự đã tỏ ra đuối thế khi chinh chiến ở các giải trẻ U17, U19.
Cũng chính từ điều trên mới thấy được sự không phù hợp của quy định đến 15 tuổi mới được mang giày. “Nói thật hết ra thì sợ các bạn buồn, thắng đủ bàn chúng em cần thôi”, một cầu thủ trẻ từng bộc bạch sau khi đối đầu với U19 HAGL ở giải U19 Quốc gia 2018.

Tập thể phục vụ một lối đá
“Gà chung một mẹ chớ hoài đá nhau”. Không HLV nào lại đi chê bai đồng nghiệp cùng trung tâm. Nhưng dù sao, ngoài giáo án cơ bản được đồng bộ, tự thân mỗi người phải tìm ra hướng phát triển sao cho phù hợp với cầu thủ ở đất nước sở tại.
HLV Guillaume Graechen được nhận xét rằng: “Thầy Giôm có nét riêng là tạo ra một tập thể để phục vụ cho một lối đá mà ông ấy đã chọn”.
![]() HLV Guillaume Grachen – Ảnh: Bạch Dương
|
Điều trên cũng một phần giải thích cho việc, hầu hết các cầu thủ HAGL chơi ở vị trí bắt buộc phải đảm nhiệm khâu phòng ngự nhưng lại chỉ giỏi tấn công.
Kể tên có ngay Vũ Văn Thanh, Nguyễn Phong Hồng Duy, Lương Xuân Trường, thường được HLV Park Hang-seo triệu tập và cho ra sân.
So với phần còn lại, những cầu thủ từ Hà Nội và SLNA, đều đã thích ứng nhanh với lối chơi, sơ đồ 3-4-3 mới tinh mà ông Park đã mang tới.
5 năm nữa mới “đủ tuổi”
Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng của đội Hà Nội từng không ngại để mà nói ra “điều ai cũng biết nhưng bị làm ngơ” ở đội HAGL.
“Ở HAGL, vai trò của Xuân Trường, Công Phượng giống như Văn Quyết, Thành Lương. Có điều Trường và Phượng còn ít tuổi, kinh nghiệm chưa dạn dày, xung quanh toàn bạn ngang tuổi, nói sao người ta thấm hết và hiểu hết được”.

Hẳn ai cũng rất rõ, Công Phượng với kiểu rê bóng “cắm mặt xuống đất” có thể lừa cả hàng thủ U19 Australia, nhưng khi bắt đầu đá ở V.League 2015, những pha bóng của CP10 như “muỗi đốt inox”.
Phải đến gần 4 năm sau những ngày đầu tiên thi đấu V.League, những pha đi bóng của Công Phượng mới dần “sáng” hơn. Điều đã được chứng minh ở Asian Cup 2019.
Lứa đầu tiên của Học viện HAGL JMG đã bước qua độ tuổi U23, với vài nhân tố là trụ cột ở đội tuyển quốc gia. Nhưng để làm “anh lớn” thực sự trong môi trường V.League cạnh tranh khốc liệt, hẳn họ sẽ phải cần thêm thời gian.
Nên xem