Rất nhiều cặp vợ chồng phải hy sinh công việc, sự nghiệp để phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ già mà không dám cho bố mẹ vào sống trong viện dưỡng lão vì sợ mang tiếng là “đồ con bất hiếu”.
Đó là tâm sự của anh Nguyễn Minh Tâm (Hiệp Bình Phước, Thành Phố Thủ Đức) trong bối cảnh dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, không biết sẽ bùng phát trở lại lúc nào, nhưng anh và vợ phải thống nhất để một người phải nghỉ việc ở nhà vừa chăm lo cho mẹ anh và con gái nhỏ mới vào học lớp một.
Mẹ anh năm nay 80 tuổi, bị tiểu đường gần 20 năm, gần đây còn phát hiện thêm tim mạch và chứng suy giảm trí nhớ người già. Có lúc bà nhớ rất rõ mọi chuyện có lúc không nhớ gì. Mọi sinh hoạt của bà cần phải có người chăm sóc.

Trước khi dịch bệnh xảy ra, mỗi tháng anh dùng tiền lương hưu của mẹ để thuê người giúp việc, vợ chồng anh yên tâm đi làm. Khi dịch xảy ra, người giúp việc xin về quê và đến nay không chịu lên để tiếp tục chăm bà cụ. Anh buộc phải bàn với vợ và muốn vợ nghỉ việc ở nhà vừa chăm mẹ, vừa theo sát con gái đang học online.
Với số tiền lương hưu của bà mỗi tháng, anh thêm chút đỉnh sẽ đủ để gửi bà vào viện dưỡng lão. Ở đó có nhiều bạn già, có y tá điều dưỡng chăm sóc bà tốt hơn. Tuy nhiên, anh không đành lòng, phần vì sợ mẹ buồn, phần lại ái ngại bà con, hàng xóm dị nghị, cho rằng việc đưa mẹ vô viện dưỡng lão là bất hiếu.
Một buổi trưa nắng gắt, bà Tư chống gậy, khập khiễng bước ra đầu hẻm ngồi chơi. Năm nay bà Tư cũng hơn 70 tuổi. Bà cũng có con cái, cháu nội đuề huề nhưng chỉ sống thui thủi một mình với hai đứa cháu cố 7 tuổi và 4 tuổi. Bà Tư phải thuê thêm người giúp việc phụ giúp.
Mọi người hỏi sao bà Tư không vô viện dưỡng lão sống cho thoải mái. Bà cho biết, bà cũng muốn vô đó nhưng con cháu không cho, chúng sợ mang tiếng bất hiếu. Tuy nhiên, hiện tại bà vẫn đang sống một mình.
Nhiều người cứ lầm tưởng, chữ hiếu là phải ở sát bên chăm sóc, phụng dưỡng, bóp chân, bóp tay, bồi dưỡng cho bố mẹ đủ kiểu. Thực tế, đó là một suy nghĩ rất ích kỷ, vì con cháu còn phải đi làm, tăng trưởng kinh tế để từ đó chăm lo ngược lại cho gia đình. Nếu vì tuổi già mà ràng buộc con cháy giữa tài chính và báo hiếu rồi sau này, khi chúng ta già đi, chúng ta lặp lại cái vòng lẩn quẩn như vậy.

Các nhà xã hội học người Mỹ gọi đây là thế thế hệ “bánh mỳ kẹp”, chỉ những người ở độ tuổi trung niên (40, 50) vừa phải chăm sóc cha mẹ già vừa phải chăm sóc con cái và buộc họ phải tạm dừng sự nghiệp để thực hiện nghĩa vụ báo hiếu của một người con.
Theo trung tâm nghiên cứu xã hội Pew của Mỹ, tính đến năm 2013, gần một nửa những người ở độ tuổi 40-50 có bố mẹ trên 65 tuổi, đồng thời có con cái cần chăm sóc. Trong đó, 15% số người trung niên cho biết họ đang phải hỗ trợ tài chính cho cả cha mẹ và con cái.
Tuổi thọ người dân ngày một tăng, người trẻ sinh đẻ ít đi nên khi chỉ có một hoặc hai con thì gánh nặng lo toan nhiều hơn. Trong khi đó, nhiều người già ở Việt Nam không có lương hưu. Người 80 tuổi trở lên mới được hưởng trợ cấp xã hội và cũng không đủ sống nên họ trông đợi cả vào con.
Thực tế, nếu như thế hệ “ông bà anh” có kế hoạch tài chính tốt, có lương hưu và lối tư duy thoáng hơn một chút, khi về già sống ở viện dưỡng lão sẽ tốt hơn. Ở đó không chỉ có người chăm sóc mà còn có bạn già tâm sự nói chuyện sẽ giảm bớt cảm giác cô đơn, ngột ngạt như hiện nay.
Mỗi tuần, mỗi tháng con cái sẽ vào thăm để ba mẹ đỡ nhớ và quan trọng hơn cả, bố mẹ cũng không nặng nề tâm trạng với ý nghĩ đang trở thành gánh nặng lo âu cho con cái. Ngược lại, con cái vừa có thể chăm lo cho cha mẹ già đầy đủ mà không mang tội bất hiếu.