Tè dầm không phải chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ, chưa biết nhận thức chuyện vệ sinh cá nhân mà còn là vấn đề có thể xảy ra ở nhóm trẻ lớn hơn từ 4 – 7 tuổi.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, có đến khoảng 15% số trẻ độ tuổi này tè dầm ít nhất 2 lần/tuần. Vì thế, các bố cần trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan đến vấn đề này để cùng mẹ chăm sóc con cái tốt hơn. Dưới đây là những điều nên lưu ý để giúp con không còn tè dầm, bố có thể tham khảo nhé!
1. Hạn chế các loại thực phẩm khiến bàng quang “quá tải”
Tè dầm ở trẻ lớn có thể coi là bệnh, nó khiến con cảm thấy xấu hổ, tự ti, thậm chí ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và việc học tập. Để giảm lượng nước tiểu sản xuất vào ban đêm, bố không nên cho con uống quá nhiều nước vào buổi chiều và tối trước khi đi ngủ.
Thay vào đó, bố nên bổ sung đầy đủ nước (bao gồm nước lọc, nước ép trái cây và sữa) cho trẻ vào buổi sáng và trưa, giảm dần lượng nước về chiều và tối.

Ngoài ra, những loại thực phẩm giàu caffeine (cacao, socola, trà…) và hoa quả giàu axit (cam, chanh, bưởi, dứa, táo, cà chua…) rất dễ kích thích bàng quang hoạt động quá mức, từ đó khiến con tè dầm nhiều về đêm.
Vì vậy, bố nên hạn chế bổ sung những loại thực phẩm này cho trẻ vào ban đêm nữa nhé. Thêm vào đó, bố cũng cần rèn cho con thói quen đi vệ sinh trước khi ngủ để con có giấc ngủ ngon và sâu hơn.
2. Bổ sung các loại thực phẩm giàu magie
Một vài nghiên cứu cũng chứng minh rằng, chế độ ăn hàng ngày thiếu magie là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tè dầm ở trẻ em.
Một khi thiếu dưỡng chất magie, hệ thần kinh của trẻ sẽ phản xạ kém, khiến con không nhận biết được khi nào cần đi vệ sinh. Bố và mẹ có thể bổ sung magie cho con thông qua các loại thực phẩm như hạt vừng, bơ, chuối, cá hồi, các loại đậu và đậu phụ…
Bên cạnh đó, bố cũng nên ghi chép thói quen sinh hoạt và ăn uống hàng ngày của con để tìm chính xác nguyên nhân và có cách khắc phục chứng tè dầm hợp lý.
3. Trò chuyện với con
Bố biết không, căng thẳng và lo lắng là một trong những nguyên nhân khiến con bị tè dầm thứ phát. Đặc biệt, nếu gia đình vừa chuyển nhà, chuyển trường cho con hay có người thân mất… vì thế, bố nên dành thời gian trò chuyện để thấu hiểu, nắm bắt cảm xúc và tâm lý của con.
Mặc dù tè dầm thứ phát thường mất đi khi con thích nghi với hoàn cảnh mới, nhưng nếu không được khắc phục kịp thời, bệnh sẽ trở thành một tật khó bỏ. Vì thế, bố nên trò chuyện, trấn an con, tuyệt đối không được khiển trách vì sẽ khiến tình trạng trở nên tệ hơn.

Một mẹo hay dành cho bố, chính là hãy cố gắng tạo động lực cho con bằng cách giao nhiệm vụ. Ví dụ, bố có thể nhờ con thay mới và dọn dẹp chăn đệm, để con tự mình vệ sinh, thay quần áo bẩn…
Những việc làm đơn giản này sẽ giúp con hình thành ý thức trách nhiệm và cố gắng không tè dầm vào những đêm sau.
4. Cùng con thực hiện bài tập bàng quang
Bàng quang chậm phát triển cũng là một trong những nguyên nhân gây nên chứng tè dầm ở trẻ nhỏ. Bố có thể cùng con thực hiện một vài bài tập nho nhỏ như khuyến khích con không nên đi tiểu ngay mà hãy giữ từ 5 – 8 phút để cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang hoặc cho con uống nhiều nước vào ban ngày để bàng quang mở rộng.
Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi, bố cũng có thể massage bụng dưới cho con bằng dầu oliu. Cách này sẽ góp phần kích thích và tăng cường các hệ cơ ở đường tiết niệu, từ đó cải thiện tình trạng tè dầm của bé.

5. Nếu tình trạng kéo dài, hãy đưa con đi khám.
Mặc dù chứng tè dầm rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu bé gặp phải những vấn đề sau thì bố nên đưa con đi khám để bác sĩ chẩn đoán và có hướng điều trị hợp lý:
– Bé tè dầm cả ngày lẫn đêm dù đã trên 5 tuổi.
– Bé liên tục tè dầm dù đã trên 7 tuổi.
– Con không tè dầm nhiều tháng, nhưng sau đó đột nhiên tè dầm trở lại khi con trên 5 tuổi.
Nguồn: brightside.me, inspiration-family-and-kids