“Tôi thật sự bất lực, suýt đanh con, khi giảng đi giảng lại hơn chục lần, cho xem truyện cổ tích, nhưng con trai học lớp 4 của tôi vẫn không cảm thụ được câu chuyện và không thể kể lại cho hoàn hảo ”, anh Chí Cường một phụ huynh có con đang học lớp 4 cho hay.
Dạy con học là nỗi ám ảnh của không ít ông bố, bà mẹ hiện nay khi mà trong bối cảnh con học online, bố mẹ lại là người phải chịu trách nhiệm truyền đạt kiến thức cho con nhiều nhất.
Anh Chí Cường có con trai năm nay học lớp 4. Hơn tháng nay, cả nhà anh đều mệt mỏi vì ra sức kèm cặp con học online. Hai vợ chồng anh phải thay phiên nhau. Tuần nào vợ đi làm thì anh dạy và ngược lại. Toán, Địa lý, Anh Văn thì con anh tiếp thu rất nhanh, riêng môn Tập làm văn và Tiếng Việt anh rất đau đầu. Có lần cô giao bài, cháu nhất định không làm và nói thẳng luôn rằng không thích học tiếng Việt.

Nhiều lần như vậy, cô giáo gọi điện phàn nàn. Anh có chia sẻ với cô do cháu không thích học môn này nên không chịu làm. Cô giáo không đồng ý lý do này, nên hai vợ chồng phải căng sức ra nhồi vào đầu con kiến thức, kỹ năng làm văn, trong khi con rất vô cảm.
Mấy lần anh suýt nổi nóng khi kèm con làm Tập làm văn. Thật sự bản thân anh cũng không phải là người giỏi văn nên đây là công việc vô cùng khó khăn. Lấy ví dụ, khi học đến bài kể câu chuyện về lòng trung thực mà em thích, anh mở Youtube rồi cùng con xem truyện cổ tích 3 lưỡi rìu để cảm nhận câu chuyện. Khi xem thằng bé rất hào hứng, đến khi yêu cầu con kể lại và nêu cảm nhận con ngồi ngơ, không làm được.
Anh cảm thấy bất lực khi đã giảng giống hệt cô giáo, thậm chí còn xem bài văn mẫu để giải thích cho con thế nào là văn kể chuyện, nhưng mất 3 ngày, với hàng chục lần giảng đi giảng lại nhưng con vẫn không nắm được. Buổi sáng dạy đến trưa con đã quên. Nếu bắt kể câu chuyện khác con không biết làm.
Có thể do con anh không có năng khiếu học văn hoặc không có khả năng cảm thụ văn chương.
Thỉnh thoảng, anh có lên các diễn đàn cha mẹ học sinh để xem các phụ huynh khác có con trạc tuổi sẽ dạy con họ học như thế nào, anh sẽ học theo và áp dụng những điều hay để dạy con. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh khác cũng than rằng, họ bất lực trong việc dạy con học văn, thậm chí còn nổi nóng với con.

Trao đổi vấn đề của anh Chí Cường với một số thầy cô giáo mà người viết quen biết thì được khuyên rằng nên tỉ mỉ, kiên nhẫn khi dạy trẻ học. Nhưng có thầy cô lại bảo người lớn nên xem xét, kiểm tra xem con có học, có làm bài tập không, còn chuyện dạy học là vai trò và trách nhiệm của giáo viên.
Hiện nay, không chỉ con anh Cường, rất nhiều trẻ đang thờ ơ với việc học văn. Một số em, đến ngày thi thì học văn mẫu để đối phó. Bên cạnh đó, một số phụ huynh lại nghĩ học văn không quan trọng, lớn lên không kiếm được nhiều tiền nên cũng không đặt nặng vấn đề và yêu cầu con phải giỏi văn.
Tuy nhiên, học văn không phải để kiếm được tiền ít hay tiền nhiều. Khi trẻ học giỏi văn, trẻ sẽ phát triển được khả năng ngôn ngữ, cải thiện lập luận tư duy và giao tiếp cũng tốt hơn. Sau này khi đi làm, trẻ muốn trình bày, diễn giải bất kỳ vấn đề gì cũng thuyết phục hơn và từ đó dễ gặp thuận lợi hơn.
Cho đến hiện tại, việc dạy trẻ học văn vẫn làm đau đầu nhiều phụ huynh nhưng cách giải quyết thì vẫn còn là dấu chấm hỏi.