Không giàu, không đẹp, không thông minh xuất chúng thì cần làm gì để vượt qua được các đối thủ nhà có điều kiện?
Con nhà có điều kiện là gì? Là những người sinh ra đã có nhà mặt phố, bố làm to, thông minh đĩnh ngộ.
Vì thông minh nên khi đi học, họ thường đứng đầu lớp.
Vì đẹp trai nên trong chuyện tình cảm, họ được nhiều cô gái vây quanh.
Vì được gia đình hỗ trợ về tiền bạc lẫn danh tiếng, nên họ không phải vất vả xoay vốn khởi nghiệp, lại được gặp gỡ, tiếp xúc với những người giàu và giỏi.
Đó là những lợi thế của việc xuất phát gần vạch đích.
Nếu cuộc sống là một đường chạy, thì những nhân vật kể trên sẽ được xuất phát gần vạch đích, còn chúng ta phải bắt đầu chạy ở mốc số 0.

Câu hỏi đặt ra là:
Làm sao để xuất phát ở mốc số 0 vẫn vượt mặt được những kẻ xuất phát gần vạch đích?
Lúc này chắc chắn rất nhiều người sẽ lôi ra công thức: [nỗ lực] + [ý chí] + [kiên trì] + [vân vân và mây mây]
Công thức này chỉ đúng một nửa.
Các yếu tố như nỗ lực, ý chí hay kiên trì là cần thiết để ta đi đến đích, trong bất cứ cuộc đua nào. Nhưng chúng không đảm bảo ta sẽ giành chiến thắng trong một cuộc đua cụ thể nào đó.
Trong một cuộc chạy đua, hơn thua nằm ở tốc độ và điểm xuất phát.
Nếu đã không có lợi thế về điểm xuất phát, mình buộc phải bù lại bằng tốc độ.
Khốn nỗi, tốc độ lại KHÔNG HOÀN TOÀN do mình kiểm soát.
Muốn chạy nhanh, chỉ luyện tập thôi không đủ, còn phải tính đến các đặc tính của di truyền, tình trạng sức khỏe và môi trường xung quanh nữa.
Ngay cả khi cố gắng hết sức, chắc chắn đến một lúc bạn sẽ nhận ra có những giới hạn chính mình không thể vượt qua.

Trong cuộc sống cũng vậy, ý chí và chuyên cần chịu ảnh hưởng bởi xu hướng tính cách và nền tảng giáo dục – những thứ vốn KHÔNG HOÀN TOÀN do mình làm chủ.
Ngay cả khi chuyên cần, nỗ lực, mình cũng không chắc sẽ giành chiến thắng.
Chẳng hạn, cùng được giao một chiếc rìu cùn để đốn 10 cây gỗ, nhưng có người tiều phu thì hùng hục 6 tiếng đồng hồ để chặt đủ 10 cây, có người lại bỏ 2 tiếng để mài rìu và chỉ mất 1 tiếng để chặt cây.
Khác biệt nằm ở sự thông minh, nhạy bén trong hành động.
Và điều này, một lần nữa, lại KHÔNG HOÀN TOÀN do mình kiểm soát. Vì rất có thể nó lệ thuộc vào kinh nghiệm sống và đặc điểm trí não.

Nói thế để thấy rằng, việc sinh ra trong nghèo khó quả không phải lỗi của bạn, nhưng thậm chí chết đi trong nghèo khó cũng chưa chắc là lỗi của bạn nốt.
Điều này được nói ra không phải để cổ xúy cho thái độ buông xuôi, mà để phản biện lại cái nhìn khắc nghiệt, quy kết HOÀN TOÀN mọi thảm trạng cuộc đời một người là do người đó gây nên.
Đó là cái nhìn “bỏ ra ngoài những bất bình đẳng trong xuất thân, trong tiếp cận giáo dục và y tế.
Nó không đặt câu hỏi về những bất công trong xã hội, không bàn tới công lý lẫn thể chế, nó không có khái niệm những nhóm người dễ tổn thương.” (Đặng Hoàng Giang)
Trở lại với câu hỏi đầu bài: Làm sao để “xuất thân hoàn cảnh” vẫn chiến thắng “con nhà có điều kiện“?
Câu trả lời theo tôi là:
Chọn đúng cuộc đua trước khi bắt đầu.
Ngay cả khi cuộc sống là một đường đua, có người đua giỏi ở cự ly 100m, có người đua giỏi ở cự ly 1000m.
Có người đua giỏi ở địa hình bằng phẳng, có người đua giỏi ở địa hình đồi núi, vượt chướng ngại vật.
Mỗi chúng ta đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng.
Chúng ta có thể thua thiệt về tiền bạc và quyền lực, thậm chí ngoại hình và trí tuệ, nhưng chắc chắn có một điểm nào đó chúng ta ưu trội hơn.
Đó có thể là sự quảng giao, khéo léo, sự nhạy cảm tâm hồn, trí tưởng tượng, lòng bác ái hay thái độ lạc quan.

Trên đường đua đến sự giàu có, rất có thể chúng ta không thắng nổi một gã “con nhà có điều kiện”.
Nhưng trên một đường đua khác, rất có thể chúng ta sẽ chiến thắng.
Vấn đề chỉ là tìm ra được đường đua phù hợp với mình mà thôi!