Khi con bị bắt nạt ở trường mẫu giáo, theo anh em, chúng ta có nên dạy con “bụp” cái đứa bạn hung hăng không?
Thú thật với anh em, làm bố “khó đấy, phải đâu chuyện đùa”. Trong cuộc sống, có nhiều tình huống liên quan đến nuôi dạy con làm tôi lắm khi đau đầu, không biết làm cách nào cho hợp tình hợp lý. Chưa kể là cách dạy con của hai vợ chồng phải thống nhất, tránh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Trong khi tôi luôn dạy con cư xử mạnh mẽ sao cho toát lên khí chất đàn ông thì vợ tôi luôn dạy con cư xử mềm mỏng, “dĩ hòa vi quý”.
Đơn cử là chuyện con bị bắt nạt ở trường mẫu giáo. Thằng bé thỉnh thoảng về nhà với những dấu răng, vết cào xước trên người. Đích thị là bị bạn trong trường hiếp đáp rồi. Tôi nóng ruột liền bảo con: “Đứa nào cắn, cào, đánh con thì con “bụp” nó lại cho ba”. Vợ tôi bù lu bù loa: “Sao anh dạy con thế”. Tôi giơ tay đầu hàng: “OK baby, vậy thì em dạy con thử xem làm cách nào để không bị bắt nạt”.
Và vợ tôi xử lý tình huống con bị bắt nạt ở trường mẫu giáo như sau (tôi thấy cũng ổn nên chia sẻ với anh em).
– Tìm hiểu nguyên nhân con bị đánh
Nhờ tìm hiểu nguyên nhân con bị bạn đánh, bố mẹ sẽ biết lỗi từ con mình hay từ các bạn của con. Nhờ đó sẽ có hướng xử lý khách quan hơn.
– Hướng dẫn con cách ứng phó trong một số tình huống
Chẳng hạn, khi bạn giật đồ chơi, con hãy giữ chặt đồ chơi đồng thời hét to: “Cái này của tớ”. Đừng ép con phải nhường đồ chơi của mình cho bạn vì điều đó làm con trở nên yếu đuối, không dám bảo vệ quyền lợi của mình. Sau đó, nếu bạn vẫn tiếp tục gây hấn, con hãy chọn các biện pháp hỗ trợ khác như thưa với cô giáo, nhờ người lớn can thiệp.

Nguồn ảnh: alphamom
– Không dạy con đánh nhau vì trẻ không biết đâu là giới hạn để dừng lại nên có thể làm mọi việc nghiêm trọng hơn.
– Trao đổi với giáo viên của con hoặc cha mẹ của đứa trẻ bắt nạt
Bố mẹ lưu ý là không nên can thiệp trực tiếp vào vấn đề của trẻ như hăm dọa hay đánh đứa trẻ đã bắt nạt con mình (như chuyện đã từng xảy ra gần đây). Bố mẹ chỉ nên là người hướng dẫn, động viên con về mặt tinh thần.
Nếu tình hình vẫn không được cải thiện, bố mẹ đừng ngần ngại gặp trực tiếp giáo viên nhờ giúp đỡ. Bố mẹ cũng có thể gặp phụ huynh của đứa trẻ bắt nạt con mình, thông báo cho họ biết sự việc và nhờ họ can thiệp để không xảy ra tình trạng tương tự.

Nguồn ảnh: breakingbullies
– Áp dụng quy tắc trao – nhận để phát hiện con có bị bắt nạt trên lớp hay không
Nhiều bé thường không dám kể chuyện bị bạn đánh ở lớp. Tuy nhiên, bố mẹ có thể quan sát một số biểu hiện ở con để biết con đã không được đối xử tốt ở lớp như: người có vết bầm, vết trầy, hay quấy khóc, sợ đi học, hoảng loạn giữa đêm, chán ăn…
Hoặc bố mẹ cũng có thể áp dụng quy tắc trao – nhận mà chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu hướng dẫn. Đó là bố mẹ sẽ kể cho con nghe một số bí mật của mình, theo đó trên cơ sở “đổi chác niềm tin”, trẻ sẽ dễ dàng mở lòng với cha mẹ hơn về chuyện trên lớp.
Đặc biệt, bố mẹ phải dạy con từ sớm tính tự lập, tự tin, cách đối phó trong một số trường hợp bị bắt nạt. Đừng để con bị hiếp đáp mới dạy thì đã muộn.