Nếu hiểu được tâm lý của trẻ ở giai đoạn khủng hoảng lên 3, bố hoàn toàn có thể đồng hành cùng con qua thời kỳ này một cách ít “khổ sở” nhất.
Ở độ tuổi lên 3, con trở nên hay mè nheo, khóc lóc, ăn vạ, ương bướng. Nhiều ông bố vì thiếu kiềm chế đã đánh đòn trẻ mà không hiểu rằng càng làm thế, trẻ càng chống đối và cảm thấy tổn thương vì nghĩ bố hết thương mình.
Có thể nói, khủng hoảng tuổi lên 3 là một giai đoạn tâm lý tự nhiên để trẻ khẳng định cái tôi của bản thân. Nhưng do chưa thể nhận thức đúng – sai nên hành động của trẻ có thể vượt ra khỏi các chuẩn mực và bị “gắn mác” là “hư, ương bướng”.
Tuy nhiên, nếu bố khéo léo hết hợp giữa “nhu” và “cương”, bố sẽ không phải mệt mỏi trước các phản ứng có phần thái quá của trẻ.
Dưới đây là những cách giúp bố “trị” tính ương bướng của bé
1. Hãy luôn gần gũi con mỗi ngày
Dù bố có bận mấy cũng cố gắng dành thời gian chơi với con mỗi ngày. Tình yêu của bố sẽ giúp con giảm cảm xúc tiêu cực và chịu lắng nghe bố hơn.

2. Bố nên bình tĩnh
Khi con tỏ thái độ bướng bỉnh, nếu bố giận dữ quát mắng, ra lệnh sẽ đẩy trẻ vào tâm lý thua đủ, không nhượng bộ. Ngược lại, nếu bố bình tĩnh, nói với con bằng giọng trầm ấm, sự nhẹ nhàng của bố sẽ làm giảm bớt hành vi hung hăng ở trẻ.
3. Đánh lạc hướng trẻ
Khi không đạt được điều mong muốn, trẻ thường ăn vạ, ném đồ đạc, gào khóc, đập đầu… Bố càng dỗ dành con càng làm tới. Cách tốt nhất là bố hãy lái con sang những hoạt động hấp dẫn khác. Khi trẻ bị phân tâm, tình hình sẽ được cải thiện.
4. Bố phớt lờ
Khi con gào khóc, bố tỏ ra không quan tâm đến con mà vờ chú ý đến những việc khác. Khi nhận thấy việc ăn vạ không có kết quả, trẻ sẽ bớt khóc lóc, mè nheo.

5. Dùng chiêu “nói ngược”
Một đặc điểm ở tuổi này là con thường thích làm trái ý bố mẹ. Bố có thể dùng chiêu “nói ngược” để con dừng các hành động sai trái. Chẳng hạn con không chịu mặc quần áo, bố hãy nói: “Con đừng mặc quần áo nữa, cứ để vậy cho mát”. Đánh cược với bố con sẽ đòi mặc quần áo ngay.
6. Trao cho con quyền chọn lựa
Bố đừng ra lệnh hay bắt con phải vâng lời. Đứng trước một tình huống, bố hãy trao cho con quyền lựa chọn. Chắc chắn con sẽ bị phân tâm, không còn la hét giận dữ vì mải tập trung vào yêu cầu của bố. Ví dụ con không chịu lên giường đi ngủ, bố có thể nói: “Bây giờ con muốn lên giường nghe bố kể chuyện hay nghe mẹ kể chuyện?”; Hoặc khi con không chịu mặc áo, bố có thể hỏi: “Con thích mặc áo xanh hay áo vàng?”.

Tùy vào tính cách mỗi bé mà mức độ ương bướng ở trẻ trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 khác nhau. Có bé ngoan ngoãn hiền lành nhưng cũng có bé cực kỳ bướng bỉnh. Việc của bố là hãy quan tâm, yêu thương con nhưng phải nghiêm khắc khi cần. Bố hãy đặt cho con những giới hạn cần thiết để con nhận thức được việc gì nên và không nên làm, từ đó giúp điều chỉnh các hành vi chưa đúng ở trẻ đồng thời định hướng nhân cách cho con.