Lắng nghe con là một hành động vô cùng quan trọng, con cái cũng sẽ cảm thấy bản thân được bố mẹ tôn trọng và đối xử công bằng.
Tiến sĩ Michael Nichols, trong một cuốn sách nổi tiếng về cách nuôi dạy con thông minh của mình có đề cập đến việc lắng nghe là cách tốt nhất thể hiện sự đồng cảm của bạn với trẻ. “Việc này cho trẻ thấy suy nghĩ và cảm xúc của chúng cũng quan trọng, được nhìn nhận như một người lớn”.
Không ít phụ huynh than phiền rằng, họ cảm thấy rất mệt mỏi, khi con cái liên tục réo gọi và kể những câu chuyện nhảm nhí, nói những chuyện hoang đường. Đôi lúc việc này khá phiền phức và mất thời gian.

Ngược lại con cái nhận thấy thái độ không muốn lắng nghe của bố mẹ, chúng sẽ cảm thấy mình vô giá trị và không được tôn trọng. Nguyên nhân khiến con cái ngày càng xa rời bố mẹ cũng bắt nguồn từ những vấn đề này.
Bố mẹ có thể áp dụng một số phương pháp lắng nghe con hiệu quả để đôi bên thấu hiểu và không gây áp lực cho nhau.
1. Con nói đi bố mẹ nghe đây
Anh Trường (Quận Đống Đa, Hà Nội) kể rằng, anh không thể tập trung làm việc vì thằng bé liên tục gọi bố ơi thế này, bố ơi thế kia khiến anh dễ nổi nóng và buông những lời không hay cho con trai. Dần dần thằng bé không còn làm phiền anh nữa, nó cũng ít nói chuyện với anh hơn, tự nhiên anh thấy trong lòng có một nỗi đau rất khó tả. Rà soát lại những gì mình đã thể hiện với con trước đây, anh nhận thấy cách hành xử với con chưa đúng, làm con bị tổn thương và không muốn gần gũi bố mẹ.
Tiến sĩ Michael Nichols khuyên bố mẹ, mỗi khi con muốn nói chuyện hay tâm sự, dù đang làm việc bố mẹ cũng nên dừng lại, nếu có thể nên đóng laptop lại dành vài phút để lắng nghe và chú ý đến những hành động trẻ đang cố tình diễn đạt. Hành động này cho trẻ thấy bố có thời gian dành cho chúng và xem câu chuyện chúng sắp kể là rất quan trọng. Điều này cho trẻ thấy bản thân được bố mẹ tôn trọng, trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ dành cho mình từ đó trẻ sẽ hạnh phúc hơn, tự tin thể hiện mình trước mọi người. Đồng thời trẻ cũng tạo được thói quen tốt biết lắng nghe người khác, lịch sự không chen ngang câu chuyện của người lớn.
Lắng nghe trẻ giúp bố rèn luyện được thói quen lắng nghe người khác từ đó sẽ dẫn đến những mối quan hệ tốt đẹp hơn trong công việc.

2. Tập trung vào câu chuyện trẻ kể
Ngôn ngữ của trẻ chưa hoàn thiện, cách sắp xếp câu chữ lộn xộn nên việc diễn đạt rất khó hiểu. Bố hãy tập trung vào những gì trẻ nói, xâu chuỗi lại các dữ liệu để hiểu rõ nội dung câu chuyện trẻ muốn truyền tải. Không tập trung, bố sẽ nghĩ con nói chuyện viển vông, làm mất thời gian, hậu quả là bố sẽ bừng bừng nổi giận. Trường hợp mất tập trung, không theo kịp những gì trẻ nói, bố có thể đề nghị trẻ nhắc lại.
Tập trung nghe trẻ nói chuyện cũng là cách giúp bố rèn luyện tính chú ý lắng nghe người khác nói chuyện, việc này rất có lợi trong giao tiếp, trong công việc.
3. Hỏi lại trẻ
Khi trẻ kể cho bạn nghe một câu chuyện về trường lớp, bạn bè của chúng, hay một vấn đề ở xứ sở nào đó mà chúng vừa học được. Dù không hiểu rõ lắm, bạn nên hỏi lại trẻ. Tiến sĩ Michael Nichols khuyến khích bố mẹ nên đặt câu hỏi cho trẻ, vì chúng sẽ thấy rằng bố mẹ hiểu những gì trẻ nói. Ngoài ra khi hỏi, bố sẽ hiểu được con đang mong đợi điều gì?
Những câu hỏi đặt ra cho trẻ cũng phải hết sức giản đơn, nếu được hãy dùng theo ngôn ngữ của trẻ để trẻ cảm nhận được sự gần gũi của bố mẹ với chúng. Việc hỏi lại cũng giúp bố xác nhận xem câu chuyện trẻ vừa kể có thật không, hay là trẻ đang bịa ra để thu hút sự chú ý hoặc đòi hỏi về điều gì đó.
Đặt câu hỏi với trẻ cũng là cách giúp bố rèn luyện thói quen xác nhận thông tin, quyết định vấn đề tốt hơn trong công việc.

4. Đóng góp ý kiến
Trẻ nhỏ thường dùng ngôn ngữ cơ thể để diễn đạt nội dung câu chuyện chúng kế, vì thế bố cần phải quan sát tỉ mỉ từ biểu cảm, hành động của trẻ. Bố có thể sẽ phát hiện ra thái độ, hình ảnh, lời nói không phù hợp về bạn bè, người lớn và điều chỉnh kịp lúc.
Lắng nghe để thấu hiểu trẻ, tìm ra lỗi và cách giải quyết tốt nhất, không nên hùa theo hay bao bọc trẻ. Trong lúc lắng nghe, bố phải giữ sự bình tĩnh, kiên định, khách quan trong những câu chuyện của trẻ để đưa ra những góp ý thông minh làm tổn thương hoặc để trẻ tự kiêu vì nghĩ mình lúc nào cũng đúng.